Ảnh minh họa: Internet. |
Thật kỳ thú! “Krung Thep” được viết tắt từ “Krung Thep Maha Nakhon Amon
Rattanakosin Mahinthara Ayutthaya Mahadilok Phop Noppharat Ratchathani Burirom
Udom Ratchaniwet Mahasathan Amon Phiman Awatan Sathit Sakkathattiya”
(thành phố của các thánh thần, thành phố vĩ đại của những vị thần bất tử, thành phố châu báu tráng lệ của thần Indra, chiếc ngai vàng của đức vua Ayutthaya, thành phố của đền đài tráng lệ, thành phố của cung điện và lãnh địa hoành tráng nhất của hoàng gia, ngôi nhà của thần Vishnu và tất cả các vị thần).
(thành phố của các thánh thần, thành phố vĩ đại của những vị thần bất tử, thành phố châu báu tráng lệ của thần Indra, chiếc ngai vàng của đức vua Ayutthaya, thành phố của đền đài tráng lệ, thành phố của cung điện và lãnh địa hoành tráng nhất của hoàng gia, ngôi nhà của thần Vishnu và tất cả các vị thần).
Với tên đầy đủ này, Vương quốc Thái Lan đang giữ kỷ lục thế giới về thủ đô
có tên dài nhất. Song chẳng rõ cơ duyên nào, nhiều quốc gia trên thế giới,
trong đó có Việt Nam, vẫn đang gọi là Bangkok (một hạt rất nhỏ của Krung Thep).
Thái Lan, “đất nước của những nụ cười”, vẫn nồng hậu khi thủ đô của mình được
gọi tên Bangkok.
Ấn tượng đầu tiên về Krung Thep phải kể đến sân bay quốc tế Suvarnabhumi
“mảnh đất vàng”. Được mua từ năm 1973, trải qua nhiều đời thủ tướng với bao
thăng trầm của biến cố kinh tế - chính trị, năm 2002 Suvarnabhumi mới được khởi
công. Năm 2006, dưới thời của Thủ tướng Thaksin Shinawatra, “mảnh đất vàng” mới
thực sự là vàng, khi đi vào hoạt động.
Có diện tích 32,8km², phục vụ hơn 45 triệu khách/năm, có khả năng nâng cấp
phục vụ 100 triệu khách/năm, Suvarnabhumi hiện đứng thứ 18 thế giới về sân bay
hiện đại và bận rộn nhất toàn cầu. Cùng với việc đưa vào sử dụng sân bay
“khủng” này, hệ thống đường cao tốc, đường tàu điện trên không từ Suvarnabhumi
đến trung tâm Krung Thep và các trung tâm vệ tinh cũng vô cùng hoàn hảo, đảm
bảo hành khách qua Suvarnabhumi không phải thưởng thức “đặc sản Bangkok”, là
tắc đường.
Song sự cố đêm 25-11-2008 và những ngày sau đó, không trục trặc kỹ thuật,
không ảnh hưởng thời tiết, không tắc đường… thế mà, “mảnh đất vàng” vẫn phải
đóng cửa ngoài tầm dự liệu của nhà thiết kế. Nhà chức trách không đưa ra được
thời gian mở cửa lại, hàng chục ngàn công dân nước ngoài đã phải vất vả tìm
đường rời Bangkok trong nỗi nhọc nhằn và lo sợ. Kẹt chung trong vụ đóng cửa sân
bay này, nhiều du khách Việt Nam đã được đưa sang Lào để về Hà Nội và sang
Campuchia để về TPHCM.
Mâu thuẫn “Áo đỏ” (đại diện cho tầng lớp có thu nhập thấp) - “Áo vàng” (đại
diện cho tầng lớp có thu nhập cao) là nguyên nhân duy nhất dẫn đến sự cố nêu
trên. Phe “Áo vàng” chống chính phủ bao vây “mảnh đất vàng”, chặn tất cả các
tuyến đường dẫn đến đây, buộc toàn bộ hệ thống điều hành sân bay phải ngừng
hoạt động (các chuyến bay đến vẫn được phép hạ cánh).
Như thế là vi hiến! Súng đã nổ và máu đã đổ! Song thật trớ trêu, lại là máu
của những người “Áo đỏ”. Ban đầu họ tự rút máu đổ chung vào nhiều thùng rồi
tưới trước sảnh Bộ Quốc phòng để tỏ rõ ý chí. Sau là 91 người thiệt mạng và gần
1.000 bị thương trong vụ “đàn áp Áo đỏ” của lực lượng vũ trang Thái Lan, trong
sự kiện 19-5-2010, tại Bangkok.
Ổn định chính trị, hóa giải kịp thời những mâu thuẫn giai cấp bằng điều
tiết thu nhập là “dĩ bất biến” để “ứng vạn biến” trong chính sách đối nội của
Vương quốc Thái Lan gần 100 năm qua. Tính từ năm 1930, khi Vương quốc Thái Lan
chuyển từ thể chế quân chủ chuyên chế sang quân chủ lập hiến đến nay, đảo chính
quân sự và dân sự lật đổ chính phủ diễn ra triền miên, khó có thể nhớ hết đã có
bao thủ tướng phải ra đi khi chưa mãn nhiệm kỳ. Song nền kinh tế Thái Lan vẫn
ổn định với tốc độ tăng trưởng đáng khâm phục.
Bình quân 2 người có một ô tô, là một trong những nguyên nhân dẫn đến “đặc
sản Bangkok” hiện nay. Song tỷ lệ người dân có ô tô nói riêng và bình quân thu
nhập nói chung của Vương quốc Thái Lan hiện nay vẫn đang còn là niềm mơ ước của
nhiều quốc gia trên thế giới.
Đến Bangkok vào những ngày tháng 9-2012, ngoài những dư âm về lễ kỷ niệm 2
năm sự kiện 19-5-2010, du khách còn được nghe những người “Áo đỏ” xác nhận:
Người lần đầu tiên mua ô tô không phải đóng thuế, người dùng điện - nước ở mức
thấp không phải trả tiền, mọi công dân có việc làm ổn định đều có thể mua được
căn hộ chung cư, mức lương tối thiểu mà giới chủ trả cho người lao động bắt
buộc phải đảm bảo tương đương 300 USD/tháng.
Nguồn tài chính để Chính phủ Thái Lan thực hiện những chính sách nêu trên
là thuế đánh vào người có thu nhập cao. Quân bình giàu - nghèo để ổn định xã
hội, xã hội ổn định để phát triển kinh tế là vấn đề luôn được Vương quốc Thái
Lan đặt lên hạng đầu, dẫu cho “điều tiết thu nhập” là vấn đề cực kỳ cam go.
Để tồn tại và đi lên, Krung Thep đang như một nguồn máy khổng lồ mà mỗi
công dân là một hạt nhân để phát triển. Tinh mơ một ngày như mọi ngày, hàng
triệu nữ nhân viên công sở - công ty ở Krung Thep chỉ kịp làm vệ sinh cá nhân
rồi nhảy lên ô tô. Trong khi chờ đèn xanh qua giao lộ thứ nhất là thời gian
“tô” môi. Chờ qua giao lộ thứ hai là thời gian “vẽ” mắt phải. Chờ qua giao lộ
thứ ba là thời gian “vẽ” mắt trái. Chờ qua giao lộ thứ tư là thời gian thay
trang phục và ăn sáng. Đến công sở - công ty đúng giờ, với những chuẩn bị cho
một ngày mới đều trên ô tô. Năng động trong trật tự - kỷ cương. Triệu triệu ô
tô cùng tham gia giao thông trong giờ cao điểm, tốc hành nhưng trong khuôn khổ
luật pháp. Vội vã nhưng không một tiếng còi “xin đường”, vẫn là một phong thái
của Krung Thep.
Bài: Phan Trọng Hải - sggp.org.vn