Trang

Chủ Nhật, 12 tháng 8, 2012

NGÀY CỦA MẸ 2012 VÀ SINH NHẬT HOÀNG HẬU TL

CẢ NƯỚC MỪNG SINH NHẬT HOÀNG HẬU TL

Hoàng hậu Sirikit. Ảnh: bangkokscoop.com.
Ngày sinh Hoàng hậu TL và Ngày của Mẹ được kỷ niệm trang trọng trên toàn quốc vào ngày 12/8 hàng năm, là ngày quốc lễ của TL.
Hoàng hậu Sirikit sinh ngày 12/8/1932 trong một gia đình thuộc tầng lớp quý tộc ở Bangkok. Bà được đặt tên Mom Rajawongse Sirikit Kitiyakara, có nghĩa là "Sự rực rỡ và lộng lẫy của gia đình Kittiyakara". Chính Vua Rama VII (Quốc vương Prajadipok), người có quan hệ họ hàng với gia đình bà, đã đặt tên này. Bản thân việc được nhà vua đặt tên đã cho thấy điềm tốt lành sẽ đến với bà. Một nhà tiên tri khi đó đã đoán rằng sau này bà sẽ bước lên vị trí quyền quý.
Khi còn nhỏ, bà theo học trường Rajini rồi sau đó là trường St Francis Xavier Convent ở Thái Lan cho đến năm 13 tuổi. Sau đó, bà theo cha mình sang London (Anh). Vào năm 1948, bà tiếp tục theo cha đến Paris (Pháp). Khi đó cha bà là Đại sứ Vương quốc Thái Lan tại Pháp. Tại thành phố Paris lãng mạn, bà đã gặp Quốc vương Bhumibol Adulyadej (lên ngôi năm 1946). Quốc vương khi đó đang học ở Thụy Sĩ và thường sang Pháp để nghỉ hè. Khi Quốc vương bị tai nạn giao thông ở Thụy Sĩ và phải vào viện, bà là người thường xuyên đến thăm hỏi. Thế rồi, bà cùng với Quốc vương Bhumibol Adulyadej đã làm lễ đính ước vào ngày 19/7/1949 ở Thụy Sĩ. Một lễ cưới theo đúng nghi thức hoàng gia được cử hành vào ngày 28/4/1950 tại Thái Lan. 

Các dự án từ thiện và phúc lợi xã hội

Hoàng hậu Sirikit được biết đến với nhiều dự án từ thiện và phúc lợi xã hội. Môi trường là một trong những vấn đề mà bà quan tâm. Những tổ chức như Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã (ACW) và Quỹ Động vật hoang dã Thái Lan (WFT) đều nhận được sự bảo trợ của Hoàng hậu Sirikit.
Năm 2007, thông qua các phương tiện truyền thông, biết được chú voi con mới một tháng tuổi ở Trung tâm Bảo tồn voi Thái Lan bị gầy yếu do voi mẹ mất sữa, bà đã dành 300.000 baht (gần 9.000 USD) từ quỹ riêng của mình để mua sữa cho chú voi con này.
Ngoài ra, bà cũng hoạt động tích cực trong việc quảng bá văn hóa và lịch sử Thái Lan. Bộ phim Truyền thuyết về Hoàng hậu Suriyothai ra đời với sự bảo trợ của Hoàng hậu Sirikit được biết đến như là một trong những bộ phim lịch sử hoành tráng nhất Thái Lan. Bộ phim đã thu hút sự quan tâm của giới trẻ nói riêng và cũng đã làm cho người Thái nói chung hiểu rõ hơn về lịch sử của mình. Vấn đề tiếp theo mà Hoàng hậu Sirikit quan tâm là phụ nữ. Bà hiểu phụ nữ Thái Lan cần gì và biết khả năng của họ như thế nào. Vì vậy, bà không ngừng khuyến khích phụ nữ Thái tham gia các công việc thủ công mỹ nghệ truyền thống như dệt, đan lát thông qua việc tài trợ tiền làm các khung cửi và bảo trợ cho các hợp tác xã.
Ở Thái Lan, người ta có nhiều cách để bày tỏ lòng kính trọng với Hoàng hậu Sirikit. Nếu như thứ hai hằng tuần người Thái mặc áo vàng để tỏ lòng tôn kính đối với Quốc vương Bhumibol Adulyadej thì thứ sáu hằng tuần họ lại mặc áo xanh dương, màu tượng trưng cho Hoàng hậu. Truyền thống này đủ để chứng minh điều mà người ta vẫn nhắc đi nhắc lại bấy lâu nay rằng Hoàng gia Thái Lan là một trong những Hoàng gia được lòng dân nhất trên thế giới. 

"Tôi phải đến gần để lắng nghe" hay Câu chuyện về Hoàng hậu Sirikit gặp gỡ dân nghèo

Hussein được một bác sĩ đưa đến gặp Hoàng hậu Sirikit. Người đàn ông 35 tuổi này bị lao phổi và vừa ho ra máu. Các cận thần đã hoảng hốt khi Hoàng hậu ghé sát Hussein để nghe ông thổ lộ. "Tôi biết mình phải cẩn thận chớ. Nhưng ông ấy rụt rè nên nói nhỏ quá, tôi phải đến gần để nghe ông ấy nói" - sau này bà nói.
Lúc ấy Hoàng hậu Sirikit đã lệnh cho một cận thần: "Phải đưa ông này nhập viện để tránh lây bệnh cho con cái (Hussein có ba con)". Bà hứa chi trả thuốc men cho Hussein và chỉ thị "nếu cần, đưa cả vợ con của ông ấy đến ở trong khu riêng biệt của cung điện cho đến khi ông ấy lành bệnh".
Đó chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện truyền tụng về Sirikit kể từ ngày bà kết hôn cùng Quốc vương Bhumibol Adulyadej, tức Vua Rama IX đang trị vì Thái Lan. "Lúc mới lên ngôi (1950), Quốc vương nói với tôi rằng Thái Lan quá nghèo để duy trì một chế độ quân chủ truyền thống. Vì vậy Ngài quyết định sẽ chăm sóc đất đai của dân chúng, còn tôi thì chăm sóc gia đình của họ" - Hoàng hậu Sirikit kể.
Thời đó, các tỉnh như Suphanburi, Ang Thong, Sing Buri... còn "rất xa xôi" vì hệ thống đường sá và phương tiện vận chuyển còn nghèo nàn, nhưng Vua và Hoàng hậu Thái Lan vẫn đều đặn đi về trên những con đường ấy suốt nửa thế kỷ. Trong mỗi chuyến vi hành (mỗi năm 7-8 tháng), đội ngũ y bác sĩ tháp tùng họ đều được trưng dụng để phục vụ dân nghèo, tạo nên một phong cách đặc biệt của Hoàng gia Thái.
Hoàng hậu Thái Lan (phải) gặp gỡ dân nghèo. Ảnh: Internet.
Trong cuộc phỏng vấn năm 1979, Hoàng hậu Sirikit tuyên bố: "Không xóa được nghèo thì quê hương chẳng thể nào an bình". Trong khi Vua Bhumibol, một chuyên gia nông nghiệp, tập trung vào các dự án phát triển về thủy lợi và chuyển đổi hoa màu, thì Hoàng hậu Sirikit chú trọng đến gia đình và vai trò của phụ nữ ở nông thôn.
Trong một dịp hoàng gia nghỉ mát ở vùng biển phía nam Bangkok năm 1964, Hoàng hậu Sirikit viếng thăm những ngôi làng tại đây và suy ngẫm rất nhiều về việc làm sao giúp dân làng cải thiện thu nhập. Bà quyết định đặt những khung dệt tay trong cung điện và mời các phụ nữ tình nguyện ở ngôi làng trên đến làm việc.
Các công trình mang tên Hoàng hậu Sirikit:
- Trung tâm Hoàng hậu Sirikit về điều trị ung thư vú (Bangkok)
- Trung tâm Hội nghị quốc gia Hoàng hậu Sirikit (Bangkok)
- Công viên Hoàng hậu Sirikit (Bangkok)
- Đập nước Hoàng hậu Sirikit trên sông Nan (tỉnh Uttaradit)
- Vườn bách thảo Hoàng hậu Sirikit (Chiang Mai)
- Vườn gỗ Hoàng hậu Sirikit (tỉnh Pathum Thani)
Bà nhận ra rằng khuyến khích và hỗ trợ dân nghèo nông thôn phục hồi các ngành thủ công lâu đời là cách giúp họ cải thiện đời sống, đồng thời bảo tồn được các ngành nghề có nguy cơ mai một. Một trong những dự án có hiệu quả lớn đến ngày nay là SUPPORT (Quỹ bảo trợ phát triển những nghề phụ và những kỹ thuật liên quan) được Hoàng hậu Sirikit thành lập năm 1976.
Hoàng hậu Thái Lan không chỉ "điều động" mà chính bà phỏng vấn để chọn ra những người nối tiếp công việc của cha anh, tự tay bà kiểm tra sản phẩm và cũng chính bà đã quảng cáo lụa mudmee ra thế giới...
Hoàng hậu Sirikit đã cấp nhiều học bổng cho thanh thiếu niên nghèo khó và người khuyết tật hiếu học. Bà còn bảo trợ cho nhiều tổ chức bảo tồn rừng và đời sống hoang dã, đưa ra dự án "Ngôi nhà nhỏ trong khu rừng lớn"... Bà là một trong số ít người thuộc hoàng tộc được trao tặng nhiều giải thưởng quốc tế có uy tín, trong đó có Huy chương vàng Ceres của FAO (1979).
Với đức tính khiêm tốn của một phật tử, Hoàng hậu Sirikit nói rằng bà "chỉ làm theo mệnh lệnh của Quốc vương". Song những điều mà Vua Rama IX đã cùng bà thực hiện trong thời gian trị vì khiến người dân Thái Lan ca ngợi họ như "đấng quân vương vĩ đại ở một trong những vương triều vĩ đại nhất trong suốt chiều dài lịch sử của Thái Lan".

Hoàng hậu Thái Lan kêu gọi chấm dứt bạo lực

Năm 2004, Hoàng hậu từng phát biểu trước các chính trị gia và lãnh đạo một số cộng đồng tại Cung điện Hoàng gia ở Bangkok. Hoàng tộc Thái Lan rất được tôn kính nhưng hiếm khi tham gia trực tiếp vào các công việc chính trị. Do đó, việc bài phát biểu kéo dài 45 phút của Hoàng hậu phát trên truyền hình được coi như một sự phá lệ.
Hoàng hậu Sirikit hối thúc người dân hãy giúp chính phủ giải quyết các vấn đề ở miền nam và bày tỏ sự phản đối trước nạn bạo lực chống lại những người dân vô tội. Bà cũng nhắc lại việc các sĩ quan cảnh sát và công chức bị thiệt mạng trong những vụ phục kích và tấn công của chiến binh. Mỗi năm Hoàng hậu Thái Lan thường dành nhiều thời gian thăm các tỉnh có đa số người dân theo Hồi giáo ở miền nam.

Hoàng hậu Thái Lan được WHO khen tặng
Hoàng hậu Sirikit là người đầu tiên được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tặng "Giải thưởng An toàn thực phẩm" trong công cuộc tuyên truyền và đẩy mạnh vệ sinh an toàn thực phẩm ở Thái Lan, đặc biệt là trong những cộng đồng sống ở vùng sâu vùng xa, vì mục tiêu nâng cao sức khỏe người dân.
Giám đốc WHO Lee Jong-Wook đã trao giải thưởng đặc biệt này cho Hoàng hậu Hoàng hậu Sirikit trong một buổi lễ trang trọng được tổ chức tại Tòa lâu đài Ananta Samakom Throne tối 9/8/2005.
"Lời ngợi khen của WHO là niềm tự hào lớn lao của Vương quốc Thái Lan và tất cả người dân Thái", trích lời ông Suchai Charoenratanakul, Bộ trưởng Y tế công cộng Thái Lan tại buổi lễ.

Hoàng hậu Thái chỉ trích vũ khiêu dâm


Ảnh minh họa: merill.net.
Năm 2006, sau khi xem chương trình truyền hình có cảnh các cô gái xoay tròn trong những bộ trang phục mát mẻ tại một buổi lễ Phật giáo ở tỉnh Nong Khai, phía bắc Thái Lan, Hoàng hậu Sirikit đã gửi thư cho Bộ Văn hóa nước này.
"Các tín đồ Phật giáo nói chung nên nhớ điều gì là tốt cho hình ảnh của đất nước. Bất kỳ sự kiện nào liên quan đến đạo Phật cũng cần tôn trọng đức Phật và đạo Phật", lá thư có đoạn.
Sau lời phàn nàn của Hoàng hậu Sirikit, Bộ Văn hóa Thái Lan đã ra lệnh cấm các nữ sinh dưới 20 tuổi làm nghề nhảy múa mua vui trong những trang phục mát mẻ và sẽ trấn áp các hoạt động trình diễn không phù hợp tại nơi công cộng.


NGÀY CỦA MẸ CỦA THÁI LAN NĂM 2012

Lễ kỷ niệm Ngày của Mẹ ở TL. Ảnh: bangkokscoop.com.

Đường phố Ngày lễ của Mẹ. Ảnh: bangkokscoop.com.

 
Tình mẫu tử. Ảnh: watbuddha.org.

Ngày này từ sáng sớm các quan chức chính phủ, quân đội hoàng gia, sinh viên, giáo viên, tập hợp xung quanh khu vực đồng hồ tháp cao. Họ tạo thành một đám rước và đi bộ đến cung điện của vua. Trên đường tới cung điện, ban nhạc chơi các bản nhạc thịnh hành. Sau khi đến cung điện của vua, rước tặng hoa cho người đại diện của Hoàng hậu. Tiếp theo là bài hát “Người mẹ của Vương quốc”, ca ngợi cả Hoàng hậu và Đức vua. Trong buổi lễ buổi tối tại khu vườn của Hoàng hậu, các quan chức chính phủ thắp nến. Đó là cách họ tỏ long kính trọng và chúc Hoàng hậu vạn tuế.

Vòng hoa nhỏ tặng mẹ. Ảnh: bangkokscoop.com.
Mỗi năm, Hoàng hậu - người được coi là Mẹ của đất nước, đưa ra khẩu hiệu cho Ngày của Mẹ sẽ được công bố trong một cuốn sách do Hội đồng quốc gia về Phúc lợi xã hội Thái Lan ấn hành.
Hoàng hậu Sirikit khi trao khẩu hiệu về Ngày của Mẹ năm 2012 đã nhấn mạnh cần dành sự quan tâm và chú ý tới đối tượng người mẹ đã nuôi dạy các con trưởng thành.
Khẩu hiệu năm nay của Hoàng hậu là một bài thơ kiểu Thái 4 câu. Bài thơ nói rằng (tạm dịch ý),
“Hai bàn tay của người mẹ giống như hai bàn tay của nhà điêu khắc.
Người mẹ cẩn thận tạo khuôn tượng các đứa con bé bỏng của mình, luôn mong chúng trưởng thành và có tương lai sáng lạn.
Giống như một nhà điêu khắc, người mẹ ở cạnh con cái và dịu dàng chăm chút khuôn tượng của con mình từng chút một”.

An Bường tổng hợp, lược trích và biên soạn
(Nguồn tham khảo: Việt Phương - VP Bangkok – Báo Thanh niên, THỦY TÙNG - dulich.tuoitre.vn, Đình Chính – theo BBC và AP, Ngọc Sơn - theo AP, Thanh Hảo - Vietnamnet/THX, dantri.com.vn, thanhnien.com.vn, tuoitre.vn, tin247.com, thainews.prd.go.th, thailandroses.com, bangkokpost.com, watbuddha.org, timeanddate.com, bangkokscoop.com, merill.net)