Trang

Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2012

Tượng voi Thái Lan ở Thảo Cầm Viên

Trùng tu xong tượng voi Hoàng gia Thái Lan ở Thảo Cầm Viên

Ai đã từng ghé Thảo Cầm Viên (Sở thú) hẳn từng có lần đứng ngắm, chụp ảnh lưu niệm với voi đồng. Đó chính là tượng voi của Quốc vương Thái Lan Rama VII trao tặng Việt Nam nhân chuyến thăm Sài Gòn (nay là TP.HCM) vào năm 1930. Món quà này đã trở thành không gian văn hóa, ký ức của bao thế hệ trẻ thơ của Sài Gòn và Việt Nam nói chung.

Chiều 22.6, tại Thảo Cầm Viên (TP.HCM), Lãnh sự quán Hoàng gia Thái Lan chính thức bàn giao Dự án cải tạo cảnh quan và trùng tu tượng voi Hoàng gia cho Thảo Cầm Viên Sài Gòn.

Dự án là sự hợp tác giữa Lãnh sự quán Thái Lan và Thảo Cầm Viên Sài Gòn với sự hỗ trợ của Tập đoàn SCG, nhằm gìn giữ công trình nghệ thuật và cũng là biểu tượng cho tình hữu nghị Việt Nam - Thái Lan, đồng thời tôn tạo cảnh quan xung quanh tượng đài. Đặc biệt, phần tượng voi bằng đồng được các chuyên gia mỹ thuật từ Ủy ban Mỹ Thuật Thái Lan đánh bóng lại với chất liệu đặc biệt dành riêng cho tượng.

Được đúc bằng đồng, bức tượng voi nặng trên một tấn này là một trong 3 bức tượng được Đức vua Thái Lan trao tặng 3 quốc gia Đông Nam Á là Việt Nam, Singapore và Indonesia.

Dự án được tiến hành từ tháng 5.2011 dưới sự giám sát của ông Arak Sunghitkul, cựu Giám đốc Ủy ban Mỹ thuật, và ông Songkran Kunarop, đến từ Văn phòng Mỹ thuật truyền thống thuộc Ủy ban Mỹ thuật Thái Lan.

Tượng voi đồng sau khi đã được trùng tu chiều 22-6. Ảnh: QUỲNH TRANG

Một sự kiện ngoại giao của Đông Dương

Vườn Bách Thảo (nay là Thảo Cầm Viên) và Công viên Tao Đàn là hai công viên đầu tiên ở Sài Gòn. Trong đó vườn Bách Thảo là khu công viên lớn nhất với diện tích 12 ha. Vườn Bách Thảo từng được xem là “khu vườn có bộ sưu tập thảo mộc và muông thú phong phú nhất ở Viễn Đông”. Vườn đã nhận được rất nhiều quà tặng là các loài cây, các loài thú quý hiếm từ nhiều quốc gia. Đặc biệt, quà tặng quan trọng là tượng voi của Đức vua Thái Lan Paramindr Maha Pradjahipok (tức Rama VII) tặng sau chuyến thăm Sài Gòn vào năm 1930.

Năm 1934, Bộ Ngoại giao Thái Lan đã gửi bản thiết kế, dự toán sơ bộ và bốn bức ảnh minh họa tượng voi đồng sẽ tặng cho Việt Nam với chiều cao của bức tượng là 1,5 m, trọng lượng ước tính trên một tấn và được đặt trên bệ cao 1,6 m. Toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ đã yêu cầu thống đốc Nam Kỳ lựa chọn một địa điểm rộng rãi để đặt tượng. Hội đồng Chính quyền Sài Gòn - khu vực Chợ Lớn họp để thảo luận về các địa điểm đặt tượng. Cuối cùng hội đồng quyết định dựng tượng ở phía trước Đài tưởng niệm (nay là đền vua Hùng) bên trong vườn Bách Thảo.

Vào ngày 30-10-1935, tượng voi đồng được chuyển từ Bangkok đến cảng Nhà Rồng. Tượng là tác phẩm tiêu biểu cho nền thủ công tinh xảo của Thái Lan. Bốn mặt xung quanh bệ đính bốn bảng đồng với dòng chữ “Đức hoàng đế Paramidr Maha Prajadhipok vua nước Xiêm đã tặng để làm kỷ niệm trong việc ngài ngự qua bên nước Indo Chine lần đầu. Ngự lên tại Sài Gòn ngày 14 April 1930” bằng bốn thứ tiếng Việt, Thái, Pháp và Anh.

Ông DHEP VONGVANICH, Tổng Giám đốc quốc gia của Tập đoàn SCG ở Việt Nam, đơn vị tài trợ dự án, nói:

“Đức vua Thái Lan luôn nỗ lực tạo lập và nâng cao mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Thái Lan. Tất cả những gì chúng tôi làm là hỗ trợ và làm theo ý nguyện này. Việc được tham gia vào dự án này và góp phần gìn giữ biểu tượng tình bạn của hai nước nhân dịp kỷ niệm 35 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Thái Lan là một niềm vinh hạnh lớn lao với chúng tôi”.

Chụp ảnh kỷ niệm với tượng voi

Ngoài những con vật lạ thì tượng voi đồng cũng là tâm điểm thăm quan, chụp ảnh của du khách đến Thảo Cầm Viên. Nhiều cô bé, cậu bé ngày xưa nay đã là những ông bố, bà mẹ khi lần giở những tấm ảnh cũ đã chia sẻ trên trang nhật ký cá nhân (blog) của mình những kỷ niệm, ký ức tuyệt vời về tượng voi này.

Có thể nói tượng voi Hoàng gia là một công trình nghệ thuật mang ý nghĩa biểu tượng cho tình hữu nghị Việt Nam - Thái Lan; nhưng hơn cả tượng voi là nơi lưu giữ kỷ niệm của nhiều tuổi thơ lớn lên ở Sài Gòn hay được từng một lần ghé qua Sở thú Sài Gòn chụp ảnh…

Ảnh kỷ niệm của nhà báo Huỳnh Thanh Luân (Trưởng ban Bạn đọc báo Sài Gòn Giải Phóng) và cha mình trước tượng voi đồng chụp năm 1962. Ảnh: Lấy từ blog Huỳnh Thanh Luân

An Bường tổng hợp (baomoi.com, VOH, Pháp luật TPHCM, Thanh niên)