Sự thực chàng trai Thái si tình cô gái Việt
VietnamNet - Chuyện chàng trai người Thái muốn tìm lại thiếu nữ người Việt đánh rơi ảnh đã xin nghỉ việc ở Đại sứ quán Thái Lan tại Hà Nội, mặc cho mọi người can ngăn theo học tiếng Việt đã khiến nhiều người rưng rưng. Câu chuyện liệu có lãng mạn đến thế?
Pisit Amnuayngerntra
Nhân vật chính trong chuyện này là Pisit Amnuayngerntra, học viên cao học khóa 06 ngành Việt Nam học, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.
Thông tin về Pisit khiến nhiều người không cầm được nước mắt với nhiều tình tiết được cho là ghi lại lời kể của nhân vật hết sức lãng mạn.
Đáng chú ý nhất là đoạn miêu tả chàng trai “đất nước chùa vàng” trong một chiều lang thang dạo phố ở thủ đô đã va phải một thiếu nữ chừng hai mươi tuổi mặc áo dài trắng, tóc bím hai bên đi xe đạp khiến em bị ngã.
Rồi chàng trai dựng xe đạp giúp cô gái, nói lời xin lỗi nhưng cô gái chỉ đỏ mặt, nhoẻn cười rồi đi hòa vào dòng người tấp nập. Khi này, chàng trai mới phát hiện thiếu nữ đã đánh rơi một tấm ảnh chụp cùng mấy người bạn trước cổng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQGHN).
Và sự thôi thúc muốn tìm lại thiếu nữ trong ảnh đã đưa Pisit tới quyết định “xin nghỉ việc tại Đại sứ quán, mặc cho mọi người ngăn cản rồi đăng ký thi thạc sĩ ngành Việt Nam học ở Đại học Quốc gia Hà Nội với mong ước mai này trở thành một giảng viên dạy tiếng Việt và Việt Nam học, và nuôi hy vọng gặp lại người con gái mình chưa biết tên...”
Gặp Pisit với mong muốn xem liệu chàng trai si tình đã tìm được thiếu nữ trong ảnh chưa, phóng viên được lắng nghe một câu chuyện khác của chính người trong cuộc.
Mái tóc bồng bềnh cùng giọng nói chậm rãi (phát âm tiếng Việt khá chuẩn) và nụ cười hiền khô, Pisit chỉ lắc đầu không có và “em cũng lần đầu nghe chuyện này”.
Ngay sau đó, trên Facebook, Pisit và các bạn đã có dịp cười nghiêng ngả trước bài viết không đúng sự thật về mình. Một bạn cùng lớp với chàng trai người Thái hỏi vui: “Kín tiếng quá nhé. Sao không nhờ cả lớp mình tìm cho?”
Tình yêu Việt Nam của chàng trai người Thái
Trước khi sang Việt Nam , Pisit là sinh viên ngành Đông Nam Á học của Trường ĐH Thammasat (nổi tiếng về đào tạo chính trị và pháp luật) và bắt đầu tìm hiểu về đất nước Việt Nam .
Đối với bạn, “Việt Nam là một nước thú vị nhất trong khu vực Đông Nam Á với lịch sử lâu dài, có văn hóa khác biệt rất rõ ràng so với các nước khác trong khu vực và có nền kinh tế phát triển mạnh nhất trong khu vực. Suốt những năm tháng ngồi trên giảng đường, em đã mơ ước rằng sau khi tốt nghiệp sẽ có cơ hội được sang Việt Nam”.
Pisit trong lễ tuyên dương Gương mặt trẻ tiêu biểu ĐH Quốc gia HN năm 2011. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Năm 2009, Pisit thi được học bổng sang Việt Nam học tiếng Việt 3 tháng tại Trung tâm Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Chính lần đến đầu tiên này, lối sống của người Việt, văn hóa truyền thống, ẩm thực mà đặc biệt là bún chả và nem chua rán đã để lại ấn tượng sâu đậm trong chàng sinh viên.
Sau ngày về nước, khi biết thông tin có cuộc thi tuyển cán bộ đến làm việc ở Đại sứ quán Thái Lan tại Hà Nội, Pisit đã không chần chừ nộp hồ sơ đăng ký và trúng tuyển. Nhiệm vụ của bạn là tư vấn cho các nhà đầu tư Thái Lan vào Việt Nam.
Một năm sau bạn quyết định chuyển sang học thạc sĩ Việt Nam học ở Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, ĐHQG Hà Nội để mai này cũng trở thành một giảng viên để sau này được nghiên cứu về Việt Nam một cách toàn diện và đầy đủ mọi lĩnh vực.
Trong số 101 gương mặt trẻ tiêu biểu của ĐHQG HN năm 2011, Pisit là học viên cao học nước ngoài duy nhất được trao giải bởi thành tích học tập xuất sắc. Chỉ trong 13 tháng, bạn đã hoàn thành khóa học cao học (thông thường phải mất 2 năm) của mình. Sắp tới đây bạn sẽ bảo vệ luận văn với đề tài: “Cộng đồng Việt kiều tỉnh Uđonthani (Thái Lan – PV)” .
Theo Pisit: “Đề tài này rất thú vị đối với cả người Việt Nam cũng như người Thái Lan. Cộng đồng Việt kiều tỉnh Uđonthani có đặc trưng riêng biệt so với các cộng đồng Việt kiều khác trên thế giới. Hơn nữa, em nghĩ rằng các thông tin về cộng đồng Việt kiều ở Thái Lan đối với sự hiểu biết của người Việt Nam ở đây còn ít và hạn chế. Cho nên, em mong muốn đưa ra những thông tin mới về cộng đồng Việt kiều ở Thái Lan mà chưa được nhiều người biết đến”.
Như bao sinh viên khác, Pisit cũng ở trọ, để tới lớp bạn từng đi xe máy song giờ đã chuyển sang đi xe bus vì “vẫn sợ chuyện đi lại ở thủ đô” và cũng phải chứng kiến cảnh chen lấn, tài xế và phụ xe chửi mắng hành khách, chuyện bỏ bến.
Bạn tâm sự: “Nếu ở Thái Lan, việc cư xử thiếu văn hóa như thế có thể bạn sẽ bị đánh nhưng ở đây mọi người có vẻ như lại thấy đó là bình thường, ít người lên tiếng”.
Nói về Hà Nội và người Việt Nam , Pisit cười tươi chia sẻ:
“Điều em ấn tượng ở đây, ngoài món bún chả, đó là sự thân thiện. Những người thầy, người bạn ở đây thật tuyệt. Và tình yêu bóng đá cuồng nhiệt. Mỗi khi có đội tuyển quốc gia đá gần như mọi nhà, mọi người đều mở, xem và cổ vũ nhiệt tình. Phụ nữ VN rất đẹp, nhất là với áo dài nhưng giờ thì (ít) người mặc hơn”.
Đầu năm 2012, Pisit sẽ quay lại Thái Lan, theo nghề giảng viên và sẽ tiếp tục truyền đạt kiến thức của mình cho SV.
Bạn cho biết mình cũng đã ấp ủ kế hoạch để phối hợp với Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển đưa SV Thái Lan sang Việt Nam để học tập, nghiên cứu.
Phong Đăng
An Bường dẫn lại
30/12/2011