Các
chuyên gia cảnh báo hình ảnh này trong tương lai sẽ không còn nếu 88 con đập
được xây chặn ngang sông Mekong.
Thiếu đất và nước
Kết quả điều tra chung của các nhà
nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Australia (ANU) và chuyên gia WWF cho biết:
“Hiện đang có kế hoạch đến năm 2030 sẽ xây dựng 11 đập trên dòng chính của sông
Mekong, 77 đập trên các sông khác trong lưu vực. Nếu xây dựng 11 đập thủy điện,
nguồn cá sẽ giảm 16%, dẫn đến thiệt hại tài chính mỗi năm khoảng 476 triệu USD.
Nếu xây tất cả 88 đập, nguồn cá sẽ giảm 37,8%. Do đó chăn nuôi gia súc phải
hoạt động tích cực hơn, dự kiến diện tích đất đai dành cho đồng cỏ và nước tiêu
thụ sẽ tăng lên”.
Các nhà khoa học chỉ rõ mức tiêu thụ
nước trong lưu vực sông Mekong trung bình sẽ tăng 6-17% trong trường hợp hoạt
động chăn nuôi phát triển. Tuy nhiên, đối với một số nước trong khu vực, con số
này sẽ cao hơn.
Ví dụ, tại Campuchia, dự kiến sẽ tăng
tiêu thụ nước cho chăn nuôi từ 29% đến 64% nhưng dự kiến con số này tăng lên
tới 42% hoặc thậm chí 150% trong trường hợp xây dựng 88 đập. Ngoài 1.350km²
diện tích đất mất do xây đập chứa nước, các quốc gia sẽ mất thêm ít nhất
4.863km² diện tích đất để làm đồng cỏ cho chăn nuôi gia súc nhằm thay thế nguồn
dinh dưỡng bị mất từ thủy sản. Nếu tất cả các đập được xây dựng, tổng diện tích
cần huy động ước tính sẽ là 24.188km², trong đó 63% dành cho chăn nuôi gia súc.
Báo cáo nói trên được đăng trên tạp chí
“Thay đổi môi trường toàn cầu” và đã được trình bày tại Tuần lễ nước thế giới
diễn ra từ 26 đến 31/8 tại Stockholm, Thụy Điển trong bối cảnh có nhiều tranh
cãi về việc xây dựng đập trên sông Mekong.
Cảnh báo hậu quả
Theo ông ông Stuart Orr, cán bộ quản lý
Chương trình nước ngọt của WWF, các nhà hoạch định chính sách thường không đánh
giá đầy đủ tầm quan trọng của nguồn lợi thủy sản nội địa trong việc đảm bảo an
ninh lương thực.
“Các quốc gia sông Mekong đang theo
đuổi kế hoạch phát triển kinh tế và họ nhìn thấy cơ hội phát triển từ các đập
thủy điện. Nhưng trước tiên, các quốc gia cần hiểu một cách đầy đủ và xem xét
các giá trị kinh tế và xã hội do dòng chảy Mekong tự do thực sự mang lại”, ông
Stuart Orr nói. “Chúng tôi hy vọng nghiên cứu giúp bổ sung phần nào những thiếu
hụt thông tin về các tác động của các con đập”, ông Jamie Pittock, Đại học Quốc
gia Australia, đồng thời là đồng tác giả nghiên cứu cho biết.
Theo ông Orr, các nhà hoạch định chính
sách trong khu vực cần phải tự hỏi lượng đất và nước cần thêm sẽ lấy từ đâu.
Sông Mekong gắn kết 3 yếu tố nước, thực phẩm và năng lượng. Nếu các chính phủ
chỉ chú trọng đến phát triển năng lượng, hậu quả sẽ xảy ra với nước và thực
phẩm, sau đó là con người.
WWF cho rằng các quốc gia hạ lưu sông
Mekong nên trì hoãn việc xây dựng đập trong vòng 10 năm để có đủ thời gian thu
thập các dữ liệu quan trọng và quyết định đưa ra khi đó sẽ được dựa trên những
bằng chứng khoa học và phân tích có cơ sở. WWF khuyến nghị các quốc gia hạ lưu
sông Mekong nên xem xét việc xây dựng nhà máy thủy điện trên các nhánh phụ của
sông, nơi dễ tiếp cận hơn và được coi là có tác động nhỏ hơn và ít rủi ro hơn.
Vùng hạ lưu sông Mekong chảy qua các
nước Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam nổi tiếng thế giới về đa dạng sinh
học với hơn 850 loài cá. Nguồn cá này đóng góp căn bản vào bữa ăn và kinh tế
của người dân. 80% trong tổng số 60 triệu người sống ở hạ lưu phụ thuộc trực
tiếp vào dòng sông về cuộc sống nói chung và thực phẩm nói riêng.
Khánh Minh tổng hợp - sggp.org.vn