Trang

Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

BÁO ĐỘNG HÀNG GIẢ, HÀNG NHÁI MÁC TL

Thật (phải), giả (trái) khó phân biệt. Ảnh: anninhthudo.vn
Mấy năm gần đây, hàng hóa TL trên thị trường VN ngày càng được ưa chuộng. Cũng bởi vậy, hàng giả, hàng nhái nhãn mác TL đã được tung ra thị trường. Các cơ quan chức năng, Hội bảo vệ người tiêu dùng cũng đã có các biện pháp bắt giữ, ngăn chặn các hành động vi pháp kể trên và tuyên truyền cảnh báo người tiêu dùng.
Mời xem các tin có liên quan dưới đây.

Phát hiện đại lý cung cấp sản phẩm phụ kiện cửa kính VVP giả
(Lược trích)
Một đường dây cung cấp phụ kiện cửa kính mang nhãn hiệu VVP của Thái Lan vừa bị lực lượng cảnh sát chống hàng giả, Phòng CSKT, CATP Hà Nội điều tra, khám phá.
10h30 ngày 28/8, tại phố Hàng Đậu, Hoàn Kiếm, HN, Đội chống hàng giả, Phòng CSKT, CATPHN khi kiểm tra một xe chở hàng đã phát hiện 4 kiện hàng phụ kiện cửa kính VVP bị nghi làm giả và đưa về trụ sở công an để làm rõ.
Ảnh: anninhthudo.vn

Ảnh: anninhthudo.vn
Lần theo nguồn hàng, lực lượng chức năng phát hiện tại kho hàng ở phường Phúc Xá, Ba Đình, HN đang chứa hơn 6 nghìn sản phẩm phụ kiện các loại mang nhãn hiệu VVP như khóa cửa, bản lề sàn, kẹp góc, kẹp trên, kẹp dưới của cửa kính....  Chỉ huy đội chống hàng giả, Phòng CSKT cho biết, số hàng này được xác định là sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc. Các sản phẩm được làm giả hết sức tinh vi, khó lòng có thể phân biệt nếu chỉ nhìn ở bên ngoài.
Được biết, một chiếc bản lề sàn nhãn hiệu VVP đã có mức giá trên 1 triệu đồng, đây là nhãn hiệu phụ kiện cửa kính của Thái Lan khá nổi tiếng và được ưa dùng trên thị trường Việt Nam hiện nay. Cơ quan chức năng nhận định, kho hàng này như một tổng đại lý sản phẩm VVP giả cung cấp cho nhiều cơ sở kinh doanh phụ kiện xây dựng tại phố thuốc Bắc, quận Hoàn Kiếm và trên toàn thành phố.
PV - anninhthudo.vn

Báo động hàng Trung Quốc giả nhãn mác Thái Lan tại Lao Bảo
Lợi dụng sự ham chuộng hàng Thái Lan tại Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo của người tiêu dùng Việt Nam, sản phẩm được sản xuất tại Trung Quốc nhưng gắn nhãn mác Thái Lan bằng nhiều con đường đã tràn ngập các cửa hàng miễn thuế của Khu kinh tế cửa khẩu này.
Thực tế, hàng Trung Quốc giả nhãn mác Thái Lan đã xuất hiện nhiều năm nay tại Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo (KKTLB) và vô số khách tham quan đã bị mắc phải. Nhưng hiện nay, tình hình đã đến mức báo động khi hàng Trung Quốc giả nhãn mác hàng Thái Lan đã khá phổ biến tại KKTLB, chợ Đông Hà và một số chợ khác trên địa bàn, làm ảnh hưởng đến thị trường kinh doanh và lòng tin của người tiêu dùng. Hàng giả sản xuất từ Trung Quốc rất đa dạng không chỉ là hàng điện, điện tử như trước kia mà bây giờ bao gồm cả hàng mỹ phẩm, thực phẩm, hàng tiêu dùng, thời trang may mặc… Những hàng hóa này đi vào khu KTTMLB bằng nhiều con đường như vận chuyển bằng đường bộ từ phía Bắc vào và vận chuyển vượt biên giới Lào qua cửa khẩu Lao Bảo vào Việt Nam
Đánh giá tình hình buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại từ đầu năm đến nay ông Nguyễn Hữu Dũng- Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, Trưởng ban Chỉ đạo 127 cho biết có  giảm so với cùng kỳ năm 2011 nhưng diễn biến phức tạp với nhiều hành vi, thủ đoạn mới rất tinh vi. Đặc biệt là việc lợi dụng cơ chế tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu để buôn lậu, gian lận thương mại và tình hình lợi dụng cơ chế chính sách ưu đãi đối với hàng sản xuất trong nước nhập vào Khu kinh tế Thương mại đặc biệt Lao Bảo được hoàn thuế GTGT để quay vòng hàng về nội địa. Đáng quan tâm hơn là các hoạt động buôn bán ma túy, chất gây nghiện với số lượng lớn qua tuyến biên giới, buôn bán vận chuyển thuốc nổ ngày càng tăng và nguy hiểm hơn
Báo cáo cho biết, kết quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại so với cùng kỳ năm 2011 thì số vụ và trị giá hàng hóa bắt giữ, xử phạt hành chính tăng 380 vụ, số tiền tăng 430 triệu. Tổng thu về xử phạt vi phạm hành chính là 1.562 triệu; bán tài sản tịch thu sung công quỹ nhà nước 10.669 triệu. Ngoài ra còn truy thu các khoản thuế và phạt vi phạm hành chính về thuế là 726 triệu, chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát đề nghị truy tố một vụ sản xuất và buôn bán rượu giả với số lượng lớn và nhiều chủng loại
Đánh giá về BCĐ 127, các thành viên cho rằng, phương tiện, công cụ chống buôn lậu còn thiếu và lạc hậu; công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại có lúc, có nơi, có địa bàn còn hạn chế; việc phối hợp giữa các lực lượng còn chưa đồng bộ và thiếu kịp thời. Vì vậy để hoạt động chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại có hiệu quả hơn, BCĐ 127 tỉnh Quảng Trị đã đề ra nhiều giải pháp quan trọng. Như về xăng dầu, thuốc trừ sâu... buôn lậu khi bị bắt giữ các ngành, lực lượng phải có phương án xử lý sớm. Tăng cường kiểm tra, điều tra và xử lý kịp thời việc vi phạm lưu thông và buôn bán hàng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vận chuyển không có giấy tờ hợp lệ, nhất là nội tạng, chân giò...
Giao trách nhiệm cho Cục Hải quan và Trạm kiểm soát liên hợp Tân Hợp tăng cường kiểm tra việc quay vòng, hoàn thuế GTGT đối với những mặt hàng có số lượng lớn, hay bị lợi dụng trong thời gian qua, nếu phát hiện và bắt giữ được phải chuyển ngay cho cơ quan điều tra để xử lý nghiêm theo pháp luật. Đặc biệt, các cơ quan chức năng nhất là lực lượng Quản lý thị trường phải xây dựng phương án, giải pháp chống hàng giả, hàng nhái trong đó tập trung vào hàng Trung Quốc giả nhãn mác Thái lan tại KKTLB. Đồng thời, giao Thường trực Ban Chỉ đạo 127 phối hợp với các ngành liên quan xây dựng quy chế phối hợp nhằm đấu tranh có hiệu quả với tình hình buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại qua biên giới, ở 2 bên cánh gà Cổng B của Trạm KSLH Tân Hợp, thời gian hoàn thành trước ngày 15/9/2012.
Tất cả nhằm mục đích phá vỡ các đường dây, tụ điểm buôn lậu, triệt phá, chấm dứt tình trạng hàng Trung Quốc giả nhãn mác Thái Lan đang lộng hành đánh lừa người tiêu dùng và khách tham quan ở KKTLB.
Trần Minh Tích - baocongthuong.com.vn

Hàng Thái tại Đông Hà
Mua hàng nhãn mác Thái Lan tại chợ Đông Hà (Quảng Trị) là lựa chọn của nhiều người, đặc biệt với khách du lịch.
Tràn lan hàng Thái
Ngại đi xa, nhiều người đã chọn cách vào chợ Đông Hà để mua hàng Thái thay vì vượt thêm 70 km nữa để lên Khu thương mại đặc biệt Lao Bảo (H. Hướng Hóa). Có người còn cho rằng, dù tới Lao Bảo thì hàng hóa cũng không đa dạng hơn trong khi giá cả chênh nhau không nhiều, lại đỡ nhọc sức. Các gian bán hàng Thái chủ yếu tập trung ở tầng trệt của chợ Đông Hà. Khi vào đây người mua sẽ bắt gặp rất nhiều loại mặt hàng được trưng bày ngổn ngang. Từ dầu gội, sữa tắm, nước xả vải đến xoong, nồi, chảo chống dính, đến đồ điện gắn mác các thương hiệu Panasonic, LG, Samsung, Sharp như: bếp từ, nồi cơm, quạt sạc, máy xay sinh tố, bàn là, lò vi sóng… Nếu chịu khó tìm hỏi thì còn có thể mua được cả những chai dầu gió, dầu nóng nhỏ xíu hay những loại bia, rượu mà không phải ở đâu cũng có.
QLTT tỉnh Quảng Trị kiểm tra hàng hóa bày bán tại chợ Đông Hà. Ảnh: Nguyễn Phúc
Tay xách nách mang những món đồ Thái vừa mua, chị Nguyễn Thị Lài (Q.Hải Châu, Đà Nẵng) hớn hở: “Chỉ có chợ Đông Hà mới mua được những món đồ này, tôi như hoa cả mắt vì thấy cái gì cũng lạ, cũng hay nên cứ muốn móc ví hoài…”. Không riêng gì chị Lài, nhiều người hễ đi qua Quảng Trị là cứ tạt vào chợ Đông Hà, để sắm vài món hàng chỉ toàn loằng ngoằng chữ Thái Lan. Một tiểu thương bán hàng Thái tại chợ Đông Hà cho biết họ cũng chủ yếu nhắm vào đối tượng là khách vãng lai, khách du lịch chứ người Đông Hà chính gốc không mấy khi mua. “Đồ Thái không hề rẻ hơn so với các mặt hàng sản xuất trong nước nhưng được cái... lạ! Khách không mua từng cái một mà mua 5-7 cái hoặc mua cả vài chục cái để làm quà”- tiểu thương này nói.
Vàng thau lẫn lộn
Tuy được bày bán khá công khai nhưng chất lượng của các mặt hàng này đến đâu thì hiện rất khó kiểm chứng. Không ai có thể tin chắc trong muôn vạn mặt hàng kia cái nào là thật cái nào là giả nên cũng có yếu tố “hên xui”. Không ít người đã rơi vào cảnh “tiền mất tật mang” khi ham đồ Thái, đồ lạ… Anh Vũ Hoàng, hướng dẫn viên du lịch của hãng lữ hành lớn có chi nhánh ở Đà Nẵng là một “nạn nhân”. “Thấy khách mua nhiều quá nên mình cũng xách về 5 thùng nước xả vải. Về nhà mở ra dùng thử thì chẳng nghe mùi thơm gì mà cứ như nước trong vậy thôi, may mà chưa làm quà cho ai” - anh Hoàng nói. Một đồng nghiệp của anh Hoàng cũng góp chuyện: “Dạo trước, tôi có mua một cái máy xay sinh tố gắn mác một thương hiệu lớn với giá 700.000 đồng ở chợ Đông Hà. Về nhà dùng được hai bữa thì hỏng, tôi mang đi sửa thì được người thợ cho hay đây là hàng Trung Quốc chứ không phải là hàng Thái”.
Điều đặc biệt là cả một khu chợ Đông Hà này không hề có một gian hàng nào đăng ký bán hàng Thái. Ông Nguyễn Đức Phụ, Phó ban quản lý chợ Đông Hà đã xác nhận điều này. “Mang tiếng là hàng Thái Lan nhưng có khi cũng là hàng trôi nổi, thật giả rất khó phân biệt. Mỗi khi có phản ánh, chúng tôi phối hợp với Đội QLTT số 1 (Chi cục QLTT Quảng Trị) đến xử lý nhưng cũng không thể làm triệt để. Số hàng mà tiểu thương trưng ra chỉ là bề nổi, phần nhỏ, còn chủ yếu họ để ở kho hoặc ở nhà, muốn mua cả xe tải cũng có, nhưng vấn đề là vận chuyển như thế nào thôi” - ông Phụ cho hay.
Vì vậy, tuy mua hàng cùng một nơi nhưng có người tấm tắc mãi vì trúng hàng “xịn”, nhưng có người lại méo mặt mà chẳng biết bắt đền ai. Thế nên mua hàng Thái tại Đông Hà cũng chả khác gì đi... đánh bạc.
Nguyễn Phúc - thanhnien.com.vn