Gần 50 năm, kể từ ngày những người Việt kiều trở
về đây theo tiếng gọi hồi hương từ Thái Lan về bản Việt Hương thuộc xã Châu
Hội, huyện Quỳ Châu (Nghệ An). Vì lòng yêu nước, vì khát vọng sống an cư lập
nghiệp trên quê hương, 49 hộ dân với gần 300 con người đã trở về Đất Mẹ cho dù
cuộc sống vẫn còn bộn bề khó khăn.
Chuyến tàu 69…
Trong cơn quẫn cùng của nạn đói năm 1945, những người dân ở
xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình ngày đó đã phải bỏ quê, rời đất
nước đến Thái Lan mưu sinh. Cả làng, cả xã rồng rắn qua biên giới Việt – Lào
tại cửa khẩu Lao Bảo (trước là Bình Trị - Thiên nay là tỉnh Quảng Trị) sang đất
Lào. Những tưởng, đó sẽ là nơi dừng chân của đoàn người tha hương, nhưng chưa
đầy 1 tuần, chiến tranh lại tìm đến, tàn phá, đoàn người đành phải lánh qua
biên giới Thái Lan - Lào, rồi tản cư sang đất Thái để sinh sống.
Theo ông Lương Xuân Thìn (73 tuổi) là một Việt kiều trở về
từ đất Thái, tại đất Thái, người Việt tản cư sang rất đông, có cả một làng
người Việt trên đất Thái. Người dân chủ yếu sinh sống bằng nghề nông, trồng
lúa, trồng rau để mưu sinh. Cuộc sống của người dân cũng dần ổn định. Đến năm
1954 "Hội Việt kiều Cứu Quốc” có mặt tại bản Túm và bản Thác – Đẹt (Mục Đa
Hán – Thái Lan) và kêu gọi dân làng gia nhập và hoạt động bí mật để liên kết
đồng bào lại với nhau. Cùng với đó là đóng góp để cứu giúp những đồng bào đang
đói khát ở quê nhà. Đến năm 1960, theo chủ trương "hồi hương” của Chủ tịch
Hồ Chí Minh và Đảng ta nên hầu hết mọi người Việt trên đất Thái đều muốn trở về
quê hương.
"Chuyến tàu thứ 69 chở 49 hộ dân với gần
300 người lênh đênh trên Biển Đông 7 ngày, 7 đêm cập cảng Hải Phòng là những
phút giây hồi hộp nhất của tôi cũng như tất cả mọi người, vì được trở lại quê
hương. Tất cả theo tàu lửa đến ga Yên Lý (Nghệ An) và xe đò chở lên đến xã Châu
Hội nơi tôi sống bây giờ. Nhìn mảnh đất mới, ai nấy cũng mừng rơn rơi lệ”, ông
Thìn bồi hồi nhớ lại.
Ông Lương Xuân Thìn nhớ lại những ngày tháng sống trên đất
Thái
Vui trên đất khó
Trên mảnh đất Quỳ Châu "rừng thiêng nước độc” nhưng
không ai ngại khó khăn, vì họ được sống trên đất nước mình. Những ngày đầu khi
chưa có điều kiện làm kinh tế, mọi người trong bản rủ nhau khai hoang đất trồng
rau màu, trồng lúa, trồng ngô, sắn khoai để chủ động lương thực. Tuy còn rất
nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng với đức tính vốn có của người Việt chịu thương
chịu khó, họ đã không nản lòng.
Theo lời ông Thìn, trước khi hồi hương, những người Việt
kiều này đã góp vốn và mua nhiều cỗ máy phát điện, máy cưa, máy khoan cắt… để
về mở các nhà máy cho bà con làm việc. Tuy nhiên, do điều kiện chiến tranh,
những cỗ máy này được giấu kín trong hang dưới chân núi và bị bom đạn làm hư
hỏng dần. Sau đó, cả làng bàn nhau bán lấy tiền để có vốn làm ăn. "Đất
nông nghiệp và đất rừng không có nhiều nên cuộc sống cũng chật vật lắm, nhưng
vì được sống trên chính mảnh đất quê hương mình nên bà con động viên nhau vượt
khó để xây dựng bản làng…”, ông Thìn nhớ lại.
Qua gần 50 năm hồi hương, cuộc sống của người dân trên vùng
đất heo hút này đã được cải thiện nhiều, mặc cho địa hình đồi núi nơi đây còn
hiểm trở, xa xôi hẻo lánh và vẫn còn đó những khó khăn. Trao đổi với chúng tôi,
ông Nguyễn Sỹ Luận – Phó Chủ tịch UBND xã Châu Hội cũng trăn trở, người dân
trong bản Việt Hương đến 90% là Việt kiều trở về từ Thái Lan, địa phương luôn
tạo mọi điều kiện hỗ trợ bà con có cơ hội vượt khó làm ăn và phát triển kinh
tế. Tuy cuộc sống còn khó khăn nhưng bà con rất đoàn kết, sống hòa đồng với
người dân địa phương. Đồng thời cũng mang đến cho địa phương nhiều nét văn hóa
mới của người Thái Lan như múa lam vông Thái, uống rượu cần hay kiến trúc nhà
lá … Mấy năm nay bản Việt Hương luôn được công nhận là Làng văn hóa…”.
Dù bộn bề với công việc để mưu sinh hàng ngày nhưng với họ -
bản Việt kiều luôn tâm niệm được sống, được làm việc trên chính mảnh đất quê
hương là động lực để họ sống tốt hơn. Chia tay Việt Hương, chúng tôi không sao
quên được lời tâm sự của ông Thìn: " Dù có khó khăn nhưng được chết trên
mảnh đất quê mình là điều hạnh phúc nhất”. Mong sao chính quyền và các đoàn thể
ngày càng có nhiều chính sách hỗ trợ để người dân trong bản Việt Hương ổn định
cuộc sống.
Bắc Vũ (daidoanket.vn)