Trang

Thứ Sáu, 2 tháng 11, 2012

Người Việt mưu sinh ở xứ Chùa Vàng


 Trong chuyến công tác sang đất Thái, tôi có dịp làm quen với chị Nguyễn Thị Út (quê ở Hà Tĩnh) đang làm nghề bán hàng xe đẩy ở các điểm du lịch nơi đất khách quê người.
Tá túc ở chùa học tiếng
Chị Út chỉ là một trong số ít những người Việt vì cuộc sống mưu sinh phải chấp nhận xa quê hương để làm đủ thứ nghề.

Chị Út kể rằng chị đã sống trên đất Thái ngót nghét chục năm rồi. Chừng ấy năm, chị cũng không thể nhớ mình đã đi đi lại lại bao nhiêu con phố, bao nhiêu nghìn cây số để bán hàng mưu sinh. Cũng vì cảnh nghèo, bố mẹ đau ốm liên miên, chị đành dứt áo xa quê mưu sinh kiếm tiền gửi về đỡ đần bố mẹ lúc tuổi già và phụ thêm tiền cho hai cô con gái ăn học thành người. "Người Việt sang đây buôn bán nhiều lắm, phần lớn tập trung ở các điểm tham quan du lịch", chị Út nói.
Chị Út bán hàng xe đẩy tại một  điểm du lịch trên đất Thái
Những ngày đầu tiên trên đất Thái, một tiếng bẻ đôi không biết, chỉ riêng chuyện nhớ tên đường cũng khiến chị Út gặp không ít khó khăn. Nghe người ta giới thiệu, chị Út tìm đến một ngôi chùa của người Thái ở gần chợ nổi Dumnoen Saduak (tỉnh Ratchaburi, cách thủ đô BangKok khoảng 100km) để vừa bán hàng rong vừa học tiếng Thái.
Chị Út tâm sự, hồi đó chùa này có khá nhiều người Việt tá túc. Sư thầy nói tiếng Việt rất giỏi, họ sẵn sàng chỉ dạy mọi thứ mình cần. Cũng  ngôi chùa này, chị đã chắt chiu cho mình những vốn sống và vốn kiến thức về phong tục, tập quán của người Thái.
Bươn chải đủ nghề
Theo lời kể của chị Út, 10 năm qua, nơi đất khách, chị đã làm đủ thứ nghề, từ bán rửa bát đĩa thuê, bán dừa tươi, hàng lưu niệm đến thợ hồ, khuân vác. Cách đây 3 năm, khi chợ nổi Thái Lan (chợ Dumnoen Saduak-PV) trở nên sầm uất, du khách đến tham quan mua sắm ngày một đông, chị Út đã đến để buôn bán ở chợ này. Đồ nghề kiếm sống của chị là một chiếc ghe nhỏ cập trong chợ nổi.
Hàng ngày, chị Út bán các món nướng xiên que, xôi xoài của người Thái. Để có thể bám trụ với vùng sông nước này, chị Út phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ mới có chỗ đậu ghe. Bán hàng ăn nướng như chị Út, mỗi tháng phải trả cho ban quản lý 3.000 bath (tương đương 2,1 triệu đồng). Chị Út không phải là người Việt duy nhất buôn bán ở chợ nổi. Họ bán đủ món hàng từ đồ ăn, thức uống đến quần áo, giày dép…
Biết chúng tôi là người Việt Nam sang, chị Út mừng lắm. Với chị, gặp bất kì ai từ Việt Nam sang cũng như gặp người quen vậy. Chị niềm nở và rất vui vẻ khi tình nguyện làm hướng dẫn viên du lịch. Chị Út kể rằng, chị bán hàng ở chợ nổi Ratchaburi được 3 năm nhưng ngại cảnh bán sông nước chị đã quay lại bán hàng ở các khu du lịch ở Pattaya. Những món hàng chị bán là kem tươi, dừa lạnh, nước hoa quả và món xôi xoài - đặc sản của người Thái.
Chị Út vui vẻ mời chúng tôi món xôi xoài. Chị bảo: "Xôi xoài là một trong những món ngọt tráng miệng, món ăn đường phố rất nổi tiếng ở Thái Lan. Hương vị nếp thơm lừng hòa tan trong vị béo ngậy của nước cốt dừa, vị ngọt lịm của miếng xoài chín vàng rất phù hợp với những bạn hảo ngọt. Nếu đến Thái, bạn hãy nếm thử món xôi xoài, vừa rẻ vừa ngon, một món tráng miệng tuyệt vời trong những ngày nóng bức. Giá chỉ từ 15 bath-20 bath/phần".
Sợ chúng tôi không biết "xài" tiền Thái như thế nào, chị Út còn mách nhỏ, tại những trung tâm lớn, 100 bath (tương đương 50.000VNĐ) sẽ được đổi thành 100 coupon, có nơi thì là kiểu thẻ từ, ăn món gì thì chỉ rồi người bán hàng quẹt thẻ trừ tiền, ăn xong tiền thừa sẽ được ra đổi lại tại cuối dãy chợ. Có nơi thì 100 bath lại được đổi thành 100 tiền giấy theo từng mệnh giá 50 bath, 20 bath, 10 bath…, ăn gì thì thanh toán luôn bằng tờ giấy đó với giá trị tương đương.
Câu chuyện mà chị Út kể cho tôi chẳng có đầu cũng chẳng có cuối, đôi khi bị đứt quãng bởi những kí ức đan xen của chị. Chị Út chia sẻ, những ngày đầu mới đến đất Thái, không riêng chị, mà nhiều người Việt đang sống và làm việc ở đây đều rất sợ phải học tiếng. Nhưng giờ thì họ nói thành thạo như dân bản địa. Chị Út cười cười, bán hàng ở những điểm du lịch nhiều khi cũng trở thành hướng dẫn viên du lịch bất đắc dĩ. Những vị khách hảo tâm còn bồi dưỡng chút tiền gọi là phí… phiên dịch. Giờ đây, hầu hết các điểm tham quan nổi tiếng ở Thái Lan, từ Phuket, Pattaya đến BangKok chị Út đều rất tỏ tường. Bất kỳ thắc mắc nào từ văn hóa đến phong tục tập quán, chị Út đều trả lời cho du khách một cách chuẩn xác. Để có được kiến thức trên, hàng ngày chị Út  phải đầu tư thời gian tìm hiểu, đọc thêm sách báo của Thái.
Theo cách nói của chị Út, nhiều khi chị tận tình hướng dẫn khách đến du lịch cũng chỉ vì một điều rất giản dị - giúp người, người sẽ giúp lại. Những người bán hàng xe đẩy như chị giúp người cũng chỉ mong khách sẽ mua hàng giúp mình. Chị Út cũng cho biết, bất kỳ điểm tham quan, mua sắm nào trên đất Thái đều có người của Tổng cục Du lịch giám sát hướng dẫn viên cũng như người bán hàng.
Những thông tin không chính xác về đất nước của họ từ người bán hàng, nếu người giám sát nghe được thì khó mà được bán ở đó nữa. Vì thế, những người bán hàng cũng là một kênh quảng bá về du lịch trên đất Thái.
Thành đạt nơi đất khách
Chị Út tâm sự, những năm đầu sang đây, cuộc sống rất vất vả, chị và nhiều người khác đã phải làm đủ thứ nghề, nhưng giờ có được chỗ buôn bán cố định ở những điểm du lịch thế này với chị là niềm vui "rơi ụp" từ trên trời xuống. Chị Út bảo rằng, có nhiều người Việt mưu sinh trên đất Thái rất có tiếng. Chị kể cho tôi nghe về một cặp vợ chồng người Thanh Hóa tên Thắng (chị không muốn nói tên thật). sang đây làm ăn buôn bán rất "phát".
Cơ duyên ở lại đất Thái với cặp vợ chồng này cũng thật tình cờ. Họ sang đây theo đường du lịch. Sau chuyến đi ấy, họ tách đoàn ở lại và tá túc tại chùa Trai - mít (chùa Phật Vàng), một ngôi chùa nổi tiếng ở thủ đô BangKok. Được vài hôm, vợ chồng Thắng đã bị chính quyền địa phương bắt giam vì tội nhập cư bất hợp pháp. Sau khi mãn hạn, vợ chồng Thắng về Việt Nam làm giấy tờ rồi cùng vợ trở lại Thái Lan bằng đường bộ để bắt đầu cuộc mưu sinh. Và giờ họ đã sở hữu một cửa hàng bán kinh doanh vải khá lớn.
Chị Út cũng kể rằng, người Việt sang đây làm đủ thứ nghề, người thì kinh doanh buôn bán, người thì làm thợ chụp ảnh ở những điểm du lịch, người lại làm "sợp"- phục vụ bàn, hay người làm thợ may… Bên những người phải vật lộn mưu sinh kiếm sống, theo lời kể của chị Uát, rất nhiều người Việt thành đạt trên đất Thái.
Ví như chủ của khu Nakhon Phanom River View Hotel là chị Nguyễn Thị Nhung (quê gốc Hà Tĩnh); bà Lương Thị Vỵ, chủ chuỗi nhà hàng nem nướng với 3 cơ sở ở Nongkhai, Udon và Chiang Mai. Mỗi tuần nem nướng Việt đều có mặt trong thực đơn của Hoàng gia Thái Lan để phục vụ nhà vua và các hoàng thân. Nhà hàng nem nướng của bà Vy cũng được báo chí Thái Lan có nhiều bài viết vinh danh là dịch vụ nhà hàng thành công nhất của người Việt trên đất Thái.
Thậm chí, ngay ở thành phố Ubon, vùng đông bắc Thái Lan, có một dãy phố chả Việt nổi tiếng. Chủ nhân của những tiệm chả này là người Việt, quê gốc Nam Định sang định cư ở đây từ trước 1945. Họ đã sinh sống và làm giàu trên đất Thái bằng chính nghề truyền thống của Việt Nam. Những người thợ làm chả, đứng bán hàng ở đây đa số là thế hệ thứ 2, thứ 3, sinh ra trên đất Thái.
Chị Út tâm sự: 10 năm ở đất Thái, chị mới về thăm quê duy nhất một lần. Nỗi nhớ nhà, nhớ người thân, nhớ con lúc nào cũng dâng trào trong tâm trí chị. Nhưng dù nhớ nhà đến đâu chị cũng cố nén lại vì chị chỉ tâm niệm chăm chỉ làm ăn kiếm được nhiều tiền gửi về phụ giúp gia đình. Sang đây, mỗi tháng chị tích lũy không dưới 5 triệu đồng. Để trở thành người nhập cư hợp pháp có thời hạn trên đất Thái, mỗi tháng chị Út phải nộp cho chính quyền sở tại một khoản tiền (bao gồm các khoản bảo hiểm, lưu trú, an ninh). Khi đóng tiền, chính quyền sẽ cấp cho một tờ giấy nhỏ, chỉ ghi con số như mật mã, trong đó thể hiện đầy đủ tên tuổi, quốc tịch, nơi tạm trú, nghề nghiệp. Ngoài số tiền lưu trú hợp pháp, chị Út phải thuê nhà với giá 3.500 bath với một người Việt khác để giảm chi phí và tiện đi lại mua bán.    
Ngọc Hiệp - nguoiduatin.vn