Ngư dân Việt
xâm nhập vùng biển Thái Lan và đánh bắt cá trái phép ở đây là chuyện đã xảy ra
thường xuyên bao năm.
Mùa mực trong hải phận Thái Lan
Không chỉ ngư dân Việt mà cả tàu cá và
ngư dân Campuchia, tuy không đông bằng, cũng thường vào sâu trong hải phận Thái
để đánh bắt mực khi đến mùa.
Tuy nhiên tàu cá của người Việt lớn hơn
và tổ chức qui cũ hơn, có khi đi thành đoàn mươi mười lăm chiếc chứ không nhỏ
lẻ như tàu cá Campuchia.
Đó là lời các viên chức duyên phòng
cũng như Hải quân Hoàng gia Thái Lan tại căn cứ hải quân Sattahip thuộc tỉnh
Chon Buri hôm thứ Sáu ngày 20/9, nơi Thanh Trúc đến sau khi đã đi gặp
một vài trong số 108 ngư dân Việt bị bắt về Rayong vì tội giăng câu bắt cá trái
phép trong hải phận Thái từ hơn một tuần trước đó.
Những tàu cá VN
câu mực trong vịnh TL. Ảnh: Hải quân Sattahip
Theo như đại úy hải quân Atorn ở Chon
Buri nói, thì đánh bắt mực trên biển khó hơn đánh bắt cá vì cần nhiều thời gian
hơn và phải làm vào ban đêm, một công việc mà ngư dân người Thái Lan không
thích làm.
Canô của lực
lượng tuần duyên Thái Lan cặp vào tàu cá Việt Nam hôm 13/9/2012. Ảnh: RFA
Ngoài mực hoặc cá, ngư phủ Việt còn
đánh bắt những con đẻn, tên gọi của một loại đỉa biển có chiều dài khoảng
một mét. Đại uý Atorn cho biết thêm, theo suy đoán của người dân Thái Lan thì
ngư phủ Việt bắt đẻn mang về làm thức ăn hoặc bán cho những nhà hàng đặc sản,
còn người Thái không ăn loại đỉa biển này.
Không chỉ ngư dân Việt mà cả tàu cá và
ngư dân Campuchia, tuy không đông bằng, cũng thường vào sâu trong hải phận Thái
để đánh bắt mực khi đến mùa
Viên chức duyên phòng Thái Lan
Tàu cá Việt Nam khi đi câu mực trong
Vịnh Thái Lan thường cộ theo nhiều thuyền thúng, nếu trúng mùa có nhiều mực thì
giăng lưới để bắt, gặp lúc không phải mùa thì hạ thuyền thúng xuống, mỗi chiếc
một hai người và cứ thế câu mực suốt đêm.
Mực trong vùng Vịnh Thái Lan thường lớn
con và ngọt thịt nên rất được ưa chuộng, có thể vì thế mà ngư dân Việt thích
qua đây lưới về để bán rất được giá. Họ làm như thế đã bao năm qua chứ không
đợi tới bây giờ. Thỉnh thoảng vẫn có người bị bắt, có tàu bị tịch thu, phải nộp
tiền phạt mới được thả cho về. Nhưng chưa có lần nào mà hải quân Thái Lan phải
mở đợt vây bắt qui mô một lúc 12 chiếc như trong hai tuần lễ đầu tháng
9 mà Thanh Trúc đã đưa tin cũng như tường trình chi tiết.
Cũng tại căn cứ hải quân Sattahip ở
Chon Buri, nơi phát xuất cuộc hành quân truy bắt tàu cá Việt Nam hoạt động trái
phép trong hải phận Thái, người trực tiếp chỉ huy cuộc hành quân là đại úy
Panom Kuanpradit cho biết:
Sau khi bị bắt
các ngư dân Việt được đưa lên tàu của Thái Lan. Ảnh: RFA
Cũng như mọi quốc gia khác, canh gác và
kiểm soát hải phận là trách nhiệm của duyên phòng cũng như Hải quân Hoàng gia
Thái. Tàu cá Việt Nam đương nhiên mang bảng số khác với tàu cá Thái Lan nên
phát hiện và định vị
chúng ở ngoài khơi xa cũng không phải là chuyện khó.
Tiếng chuông cảnh báo
Theo đại úy hải quân Panom Kuanpradit,
Vịnh Thái Lan là khu vực dồi dào hải sản và tài nguyên thiên nhiên,
thường những tàu cá người Việt hay người Campuchia mà bị bắt đều có bằng chứng
rõ ràng là có rất nhiều mực lưới được trong khoang. Những chuyện như vậy, ông
nói, duyên phòng và nhất là đơn vị ngư nghiệp Thái ở tỉnh Rayong nắm rất rõ:
Phải nói rõ là quan hệ Việt Nam - Thái
Lan, đặc biệt quan hệ giữa lực lượng duyên phòng hai quốc gia, với những
cuộc họp và tiếp xúc hoặc gặp gỡ thường kỳ vẫn diễn ra đều đặn. Hải quân Thái
thường nhắc nhở thẩm quyền nước bạn về chuyện tàu cá nước bạn xâm nhập vùng
biển của chúng tôi, báo cho họ biết về những vụ bắt giữ và phạt vạ do chúng tôi
thực hiện, thế nhưng thực tế mà nói thì chưa bao giờ có một văn bản chính thức
để nêu những vấn đề chúng tôi coi là nhỏ lẻ trên biển cho tới khi xảy ra đợt
vây bắt mười mấy chiếc tàu cá với hơn một trăm ngư dân Việt trong tháng 9.
Việc huy động một lúc nhiều tàu lớn với
sự yểm trợ của trực thăng để vây bắt tàu cá Việt Nam là vì chuyện xảy ra đương
nhiên và quá rõ ràng, mặt khác Thái Lan cũng muốn nhân đó đánh tiếng cho các
ngư dân Việt Nam biết đừng nên tìm cách xâm phạm lãnh hải của Thái Lan.
Ngư dân Việt
được phát thuốc sau khi bị lực lượng hải quân Thái bắt giữ. Ảnh: RFA
Chúng tôi cũng không rõ phía duyên
phòng Việt Nam có làm việc và có khuyến cáo ngư dân của họ về chuyện không nên
xâm nhập và đánh bắt cá trái phép trên Vịnh Thái Lan của chúng tôi nữa hay
không, dù như trong mỗi cuộc
họp thì vấn đề thường được nêu lên và thường được phía bạn tiếp nhận cũng như
lắng nghe một cách nghiêm túc.
"Việc huy động một lúc nhiều tàu lớn với sự yểm trợ của trực thăng để vây bắt tàu cá Việt Nam là vì chuyện xảy ra đương nhiên và quá rõ ràng, mặt khác Thái Lan cũng muốn nhân đó đánh tiếng cho các ngư dân Việt Nam biết đừng nên tìm cách xâm phạm lãnh hải của Thái Lan" - Đại úy hải quân Panom Kuanpradit.
Sự kiện tàu cá và ngư dân Việt Nam đến đánh
bắt hải sản trong Vịnh Thái Lan, đại úy hải quân Panom Kuanpradit khẳng định, có chiều hướng tăng cao trong vòng hai năm trở lại đây. Làm thế nào để xử
lý mà không đụng chạm đến quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia liên quan đến
những chuyện đánh bắt cá như thế này là điều Hải quân Hoàng gia và cả Chính phủ
Thái Lan rất dè chừng:
Thái Lan coi đây là vấn đề cần lưu ý
hơn là làm cho lớn chuyện. Chúng tôi hiểu có thể là phía Việt Nam cũng đang
quan tâm đến vấn đề này và đang cố ngăn chận để chuyện tàu cá nước này xâm nhập
lãnh hải nước nọ sẽ không xảy ra nữa.
Một điều tôi muốn trình bày ở đây là
vào khi Thái Lan cũng như Việt Nam đang dồn mọi nỗ lực để tăng cường quan hệ và
tiến tới qui chế AEC tức Cộng Đồng Kinh Tế ASEAN năm 2015, lực lượng Hải quân
Hoàng gia Thái Lan mong muốn những vấn đề lẻ tẻ này sẽ không ảnh hưởng đến viễn
ảnh và tương lai hứa hẹn của hai nước thành viên AEC là quí quốc và Thái Lan
chúng tôi.
Điều sau cùng tôi muốn bày tỏ là
nếu ngư dân Việt cứ tiếp tục bị bắt giữ khi đang hoạt động trái phép trong vùng
biển Thái như trước giờ thì e rằng ít nhiều cũng tạo ảnh hưởng không tốt đến
quan hệ hữu nghị cũng như hợp tác vốn có giữa đôi bên.
Đại úy hải quân
Panom Kuanpradit trả lời phóng viên Thanh Trúc. Ảnh: RFA
Đại úy hải quân
Panom Kuanpradit không quên đề cập đến một vấn đề mà ông đánh giá
là tế nhị nhưng nhất thiết phải nói cho rõ:
Vấn đề xử lý 12 tàu cá và 108 ngư
dân Việt Nam đang bị giam ở tỉnh Rayong hoàn toàn nằm trong qui định của luật
lệ Thái. Đây là câu chuyện giữa thẩm quyền hai nước chứ không phải chuyện qua
lại thường tình giữa người dân hai bên với nhau. Đã có tin đồn lọt vào tai
chúng tôi là một vài viên chức Thái ở Rayong, với sự móc nối của những
người Việt sống trong tỉnh này, sẽ nhận tiền từ người nhà ngư dân ở Việt Nam
gởi qua trung gian để chuộc người thân của họ về trong thời gian sớm nhất.
Chúng tôi khẳng định chuyện này không
có thật và nếu như có thì hoàn toàn đi ngược lại luật pháp của Thái Lan. Mọi
việc đang trong tiến trình điều tra sắp xếp để xử lý theo luật. Chúng tôi không
rõ bên công tố quốc gia cần bao nhiêu thời gian nữa trước khi quyết định đưa vụ
việc ra tòa. Điều chúng tôi có thể xác nhận trong lời nói cũng như qua hồ sơ
báo cáo là tất cả các ngư phủ Việt Nam bị giam trong nhà tù Rayong được đối đãi
tử tế đúng theo tinh thần bảo vệ và tôn trọng nhân quyền của Liên Hiệp Quốc.
Với câu hỏi mới nhất hôm nay do phóng
viên Thanapa Tuitiengsat của đài Á châu Tự do thực hiện từ Bangkok, viên chức
cảnh sát từ đồn Bann Pe ở Rayong trả lời và được cô Thanapa thuật lại:
Trên nguyên tắc công tố viên quốc gia
Thái Lan là người ký lịnh khởi tố những ngư phủ Việt Nam này ra tòa, vì thế
trong lúc đang hoàn chỉnh hồ sơ thì khả năng đến ngày 16/10 dù có quyết
định hay chưa có quyết định thì cơ quan cảnh sát Bann Pe ở Rayong cũng
phải chính thức yêu cầu công tố viên quốc gia ban hành lệnh khởi tố.
Nói một cách khác, 108 ngư
dân Việt sẽ bị nhà cầm quyền Thái Lan, thông qua Bộ Tư pháp, khởi kiện tội
xâm nhập bất hợp pháp và đánh bắt trộm hải sản trái phép ngay trong vùng biển
thuộc đặc quyền kinh tế của Thái Lan.
Thanh Trúc - rfa.org