Trang

Thứ Tư, 24 tháng 10, 2012

Khi cảnh sát giao thông làm bà mụ

Cảnh sát tập đỡ đẻ
Có lẽ không mấy quốc gia trên thế giới giống như Thái Lan, khi cảnh sát còn kiêm thêm cả vai trò bà mụ đỡ đẻ cho các sản phụ chuyển dạ sinh con trên phố.
Với người nước khác là chuyện lạ nhưng thật sự nó là chuyện thường ngày tại các đường phố Bangkok, nơi nổi tiếng bởi nạn kẹt xe trầm kha nhất thế giới.

Sinh con… ngay trong taxi
19 tuổi, Sotika Cheunoi chuẩn bị làm mẹ lần thứ hai. Đó là một buổi sáng đầu tháng 7.2012, Sotika và chị gái bắt taxi tại nhà của họ trong khu “nhà ổ chuột” ở phía bắc thủ đô Bangkok để đến bệnh viện khám. Những tuyến đường đang rên xiết với hàng xe dài dằng dặc và tiếng máy nổ ở thành phố kẹt xe nhất thế giới khiến chị em họ nhận ra họ đến viện không đúng lúc.
Thình lình, Sotika trở dạ và rên la đau đớn vì đứa trẻ đang quẫy đạp chuẩn bị chào đời. Người tài xế taxi hoảng loạn, gọi cho cảnh sát khẩn khoản đề nghị mở đường để xe đến bệnh viện nhanh hơn. Tuy nhiên, trong tình cảnh khi xe này dính sát vào xe kia trên đường, cảnh sát cũng bất lực.
Sotika nhớ lại: “Tôi không thể chịu đựng hơn nữa. Tôi ở ghế sau taxi, chị tôi đã lột sạch hết quần áo trên người, chỉ giữ lại đồ lót, và mọi người hì hục tìm cách cho đứa trẻ ra ngoài. Mệt mỏi không kể xiết”.
Ông tiên không chỉ có trong các truyện cổ tích mà có cả ngoài đời thực. Vài phút sau cuộc điện thoại cầu cứu, một cảnh sát giao thông với dáng người đẫy đà và khuôn mặt thân thiện tên là Mana Jokkoksung, 43 tuổi, đã có mặt ở hiện trường trên chiếc xe mô tô chuyên dụng của cảnh sát.
Khi tiếp cận xe taxi, anh nhanh chóng giới thiệu bản thân bằng thái độ lễ phép hết sức: “Chào quý vị, tôi là Mana, sĩ quan của Cảnh sát Hoàng gia Thái. Tôi đã được đào tạo tại nhiều bệnh viện và đủ khả năng để giúp bà sinh con, vì thế bà hãy yên tâm để tôi giúp bà”. Sau đó, Mana quỳ xuống và bắt đầu làm việc. Những ca sinh nở bên đường như thế này không phải là chuyện hiếm trên thế giới. Nhưng với Bangkok thì đó là chuyện thường ngày.
Lái xe nhanh, đỡ đẻ giỏi
Có hơn 5 triệu xe hơi, xe bán tải và xe gắn máy đăng ký giấy phép hoạt động tại Bangkok. Theo một thống kê vào năm 2010, thành phố New York cũng chỉ có 1,9 triệu giấy đăng ký xe cộ, mặc dù thành phố này lớn gấp 2,5 lần diện tích Bangkok.
Hệ thống xe cộ này được nhồi nhét vào mạng lưới đường sá không tương xứng ở Bangkok. Thành phố có diện tích bề mặt đường chỉ 8% tổng diện tích đô thị, ít hơn nhiều so với tỷ lệ 20-30% ở các nước phương Tây.
Để xử lý những trục trặc như trường hợp của Sotika kể trên, một đơn vị cảnh sát “bà mụ” đặc biệt đã được thành lập năm 1993. Những cảnh sát này được đào tạo bài bản hàng năm tại Bệnh viện Đa khoa Bangkok cũng như được huấn luyện bởi hãng Honda để có thể lái xe an toàn với vận tốc 150 km/giờ mỗi khi nhận được một cú điện thoại khẩn cấp.
Mana nói: “Buổi đầu, ai cũng nghĩ cảnh sát làm “bà mụ” là một chuyện kỳ lạ sao đó. Ngày nay, họ đã tin rằng chúng tôi hoàn toàn làm tốt chuyện này”. Mana cho biết mình đã tự tay đỡ đẻ cho 47 sản phụ.
Araya Pomkhai, một thành viên đơn vị kể rằng anh lần đầu làm việc này cho chính vợ mình: “17 năm trước, tôi đỡ đẻ cho chính vợ mình. Hai vợ chồng bị mắc kẹt trên xe cùng mẹ tôi và một người giúp việc. Lúc vợ tôi chuyển dạ, tôi không biết phải làm gì.
Vợ tôi đau đớn nhưng vẫn bình tĩnh nói cho tôi biết phải làm gì vì cô ấy làm việc tại phòng thí nghiệm của bệnh viện. Đứa trẻ có dịch trong họng mà tôi không có thiết bị để hút dịch ra. Vợ tôi hét lên nếu không lấy dịch ra, đứa trẻ sẽ chết và tôi đã dùng miệng để hút dịch cho con”.
Theo Araya Pomkhai và Mana Jokkoksung, cảnh sát thường hay bị phóng viên bao vây mỗi khi họ tiến hành đỡ đẻ cho các sản phụ và cái khó nhất là làm sao bảo vệ được sự riêng tư cá nhân cho người mẹ. Một yếu tố quan trọng là chi phí. Người giàu có thể đến nằm viện trước ngày dự sinh. Người nghèo hãy chờ đấy. Hầu hết những đứa trẻ sinh ra trên xe hơi đều có cha mẹ là người thu nhập thấp, đôi khi là lao động nhập cư từ tỉnh khác, như chị Sotika.
Theo Thế giới & Hội nhập, danviet.vn