Trang

Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2012

TL ĐÁNH GIÁ CAO CƠ HỘI ĐẦU TƯ Ở VN

Bangkok Bank ở TL. Ảnh: Internet. 
Các tập đoàn lớn của Thái Lan tỏ rõ sự tin tưởng vào quyết định mở rộng đầu tư của họ tại Việt Nam dựa trên những đánh giá về quy mô thị trường và dự báo về sức mua ngày càng mạnh mẽ tại thị trường Việt Nam.
Thể hiện rõ nhất cho những quyết định kiểu này là việc Tập đoàn tài chính Ngân hàng Bangkok, một trong những ngân hàng thương mại hàng đầu của Thái Lan, vừa gia hạn giấy phép hoạt động tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thêm 99 năm nữa.
Năm 1992 và 1994, Bangkok Bank liên tiếp mở hai chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội và trở thành ngân hàng nước ngoài đầu tiên hoạt động tại Việt Nam. Ngân hàng này chủ yếu phục vụ khách hàng Thái Lan đầu tư tại Việt Nam và một số nhà đầu tư nước ngoài muốn tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam.
Họ cũng được chuẩn bị tốt để hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của khách hàng tại Việt Nam và kết nối các mạng lưới kinh doanh của họ ra khắp toàn cầu.

Tổng giám đốc Bangkok Bank Việt Nam Tharabodee Serng-Adichaiwit nhận xét Bangkok Bank đã có được giấy phép hoạt động dài hạn nhất đối với một ngân hàng nước ngoài. Điều này vừa thể hiện quyết tâm mở rộng đầu tư tại Việt Nam của Bangkok Bank vừa chứng tỏ lòng tin của phía Việt Nam đối với ngân hàng này.
Bangkok Bank đã hỗ trợ cho hơn 100 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Tăng trưởng tín dụng hàng năm của ngân hàng là 10%, với dòng tín dụng ở cả hai chi nhánh lên tới 20 tỷ  baht (31 baht = 1USD) trong năm nay.
Ông Tharabodee cho rằng các nhà đầu tư Thái Lan nên chuyển nhà máy sang Việt Nam để được hưởng giá lao động rẻ. Thương hiệu và uy tín của doanh nghiệp Thái Lan đã có tiếng tăm tại Việt Nam, trong khi đi lại giữa hai nước rất thuận tiện và nhanh chóng. Các nhà đầu tư có thể nhận giấy phép và xây dựng nhà máy trong chưa đầy ba tháng. Tính tới ngày 20/8, Thái Lan đã đầu tư vào Việt Nam tổng cộng 289 dự án, với số vốn đăng ký 184 tỷ baht.
Ông Tharabodee cho biết điểm mạnh của Việt Nam là  ổn định về chính trị và có dân số trẻ (50-60% dưới 30 tuổi). Ngoài ra, Việt Nam còn có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú. Lượng tiền của 4,5 triệu người Việt Nam sống ở nước ngoài chuyển về nước hàng năm cũng lên tới hơn 200 tỷ baht.
Phó Chủ tịch CP Việt Nam, thuộc Tập đoàn Charoen Pokphan Thái Lan, Sooksan Jiumjaiswanglert cho biết trong khi nhiều nhà đầu tư đang chuyển sang tìm kiếm cơ hội tại Myanmar thì CP vẫn đánh giá  cao thị trường Việt Nam, coi đây là bước đệm để CP mở rộng đầu tư sang Campuchia, Lào và miền Nam Trung Quốc.
Ông này nhận định nhờ sự kết nối gần gũi hơn với các nước trong khu vực, thị trường Việt Nam chắc chắn sẽ mở rộng hơn chứ không chỉ gói gọn trong 90 triệu dân. Các nhà đầu tư vì thế sẽ có nhiều cơ hội tốt để mở rộng làm ăn sang các nước láng giềng của Việt Nam. Công ty CP Việt Nam dự kiến sẽ mở rộng dây chuyền sản xuất tại nhà mới chế biết thực phẩm nhằm xây dựng thương hiệu thực phẩm chế biến tại Việt Nam.
Trong hơn 5 năm qua, doanh thu của CP Việt Nam đã tăng trung bình 29% mỗi năm. Điểm yếu duy nhất là nền kinh tế Việt Nam chưa thật sự ổn định. Ví dụ, lạm phát đang ở mức 19,9% năm 2008, nhưng sau đó tụt xuống ngay 6,5% do Chính phủ đẩy nhanh các chính sách tăng trưởng kinh tế.
Trong  khi đó, Tổng giám đốc Vina Kraft Paper, chi nhánh của Tập đoàn Siam Cement Group (SCG), cho biết Việt Nam đang có nhu cầu rất lớn về các sản phẩm mà tập đoàn này đang phân phối và kinh doanh tại Việt Nam như giấy gói, hóa dầu, ximăng, vật liệu xây dựng.
SCG có 17 công ty đăng ký tại Việt Nam, với tổng giá trị tài sản lên tới 11 tỷ baht. Lĩnh vực sản xuất và kinh doanh giấy là lĩnh vực lớn nhất của SCG tại Việt Nam. Trong 5 năm qua, nhu cầu giấy tại Việt Nam đã tăng 10% hàng năm, trong khi GDP tăng 7%, dẫn tới nhu cầu về giấy lót sàn tăng mạnh mẽ. Năm 2012, nhu cầu về loại giấy này tăng tới 1 triệu tấn, nhưng sản xuất trong nước chỉ vào khoảng 900.000 tấn, dẫn tới việc phải nhập khẩu và đây chính là cơ hội để mở rộng đầu tư.
Hiện tại SCG chưa có kế hoạch mở thêm nhà máy giấy thứ hai tại Việt Nam. Nhưng Vina Kraft đã đầu tư để tăng khả năng sản xuất từ 200.000 lên 250.000 tấn/năm. Dự kiến việc mở rộng sản xuất sẽ hoàn thành vào giữa năm 2013.
Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Thai Corp International, một liên doanh giữa Berli Jucker và Mongkol Group, cho biết tập đoàn này dự kiến sẽ thiết lập chuỗi cửa hàng đại lý hiện đại tại Việt Nam trong vòng 5 tháng tới nhằm tăng kênh phân phối hàng hóa của Thái Lan vào thị trường này. Công ty này hiện cũng rất quan tâm tới việc mở các cửa hàng tiện dụng và đang tiến hành nghiên cứu thị trường bán lẻ để mở rộng kinh doanh sang Việt Nam. Trong 5 năm qua, tập đoàn này đạt doanh thu tổng cộng 5 tỷ baht và riêng năm nay họ dự kiến sẽ đạt doanh thu khoảng 2 tỷ baht.
Công ty này hiện đã dành ra 3 tỷ baht nhằm thiết lập kênh phân phối hàng hóa và bán lẻ trên thị  trường Việt Nam. Việc thiết lập chuỗi cửa hàng đại lý và tiện dụng của doanh nghiệp này là nhằm mở rộng thương hiệu tại thị trường Đông Dương, với mục tiêu tăng dần việc bán các sản phẩm của Thái Lan tại Việt Nam, Campuchia, Lào và cả Myanmar. Cư dân trẻ tuổi sống ở thành thị, đại diện cho khoảng 60% số dân Việt Nam, sẽ là mục tiêu phục vụ chính của doanh nghiệp này. Họ cho rằng hàng hóa chất lượng với giá cả hợp lý của Thái Lan được ưa chuộng ở Việt Nam./.
Bài: VGP - nguyenquan.org