Chả kiểu Việt. Ảnh: B.N.L. |
Nem nướng Việt vào Hoàng cung
Thái
Nhà hàng có hơn
400 nhân viên làm việc cật lực với lượng khách hàng ngàn người mỗi ngày. Thương
hiệu nem nướng Việt trên đất Thái cũng đã phát triển thành chuỗi nhà hàng với 3
cơ sở ở Nongkhai, Udon và Chiang Mai. Mỗi tuần nem nướng Việt đều có mặt trong
thực đơn của Hoàng gia Thái Lan để phục vụ nhà vua và các hoàng thân. Nhà hàng
nem nướng này cũng được báo chí Thái Lan có nhiều bài viết vinh danh là dịch vụ
nhà hàng thành công nhất của người Việt trên đất Thái.
Bà Lương Thị
Vỵ, chủ nhân quán nem nướng, năm nay đã 81 tuổi. Quán ở Nongkhai có tên là Deng
Nem Nuong, lấy theo tên người con gái đầu của bà. Bà Vỵ kể những ngày đầu ở
Nongkhai vất vả vô cùng, phải làm việc quần quật mới có được miếng ăn. Người
con gái đầu lòng của chào đời trong giai đoạn đó. Cô bé da đỏ hồng, người y tá
hộ sinh nói Deng trong tiếng Thái nghĩa là đỏ, mang ý nghĩa hạnh phúc, may mắn.
Thế là vợ chồng bà Vỵ đặt tên con là Deng, tên tiếng Việt là Tuyết.
Mặt tiền nhà hàng Deng Nem Nuong của bà
Lương Thị Vỵ ở Nongkhai - Ảnh: B.N.L
Bà Vỵ kể, bà
sang Thái khi mới 13 tuổi. Sau đó, bố mẹ bà đều qua đời, bà mồ côi sống một
mình giữa xứ lạ. Những tháng ngày cơ cực khiến bà phải bươn chải với gánh hàng
ăn để kiếm sống. Từ gánh bún chả, nem nướng đi bán rong, thấy người Thái đặc
biệt ưa thích món nem nướng Việt nên bà mày mò sáng chế ra 6 món nem nướng. Bà
Vỵ nghiên cứu pha chế thêm các loại rau, gia vị, nước chấm cho hợp với khẩu vị
của người bản xứ và dần dần trở thành một thương hiệu nổi tiếng. Quán ăn của bà
ban đầu chỉ là gian nhỏ bên sông Mê Kông, nhờ kinh doanh phát đạt bà mua thêm
đất để mở rộng quy mô quán. Đến nay, quán của bà trở thành nhà hàng sang trọng
với quy mô hàng ngàn mét vuông, kèm theo một nhà hàng nổi trên sông Mê Kông.
Chồng bà, ông
Hồ Văn Tuân đã mất cách đây mấy năm. Di hài của chồng được bà Vỵ cải táng đưa
về quê hương là làng Hòa Viện (xã Phong Hòa, H.Phong Điền, Thừa Thiên-Huế) để
an táng. Cũng giống như bà Vỵ, ông Tuân đã bỏ quê nhà để sang Lào lánh chiến
tranh lúc mới 13 tuổi. Đến năm 1935, một lần nữa, ông cùng gia đình lội dòng Mê
Kông để sang tị nạn tại Nongkhai. Ông Tuân và bà Vỵ cùng chung cảnh ngộ nơi xứ
người nên đã thương yêu nhau và trở thành vợ chồng. Họ sinh được 8 người con và
bằng quán nem nướng này, họ đã nuôi nấng con cái trưởng thành.
Khi chúng tôi
hỏi bí quyết nào khiến bà thành công trên đất Thái, bà Vỵ rưng rưng xúc động:
“Bác Hồ dạy đi cho người ta nhớ ở cho người ta thương. Chúng tôi đã sống theo
lời dạy đó của Bác nên mới được người Thái yêu thương đùm bọc”. Suốt mấy chục
năm sống tị nạn, không có giấy tờ hợp pháp, chính phương châm sống trên đã trở
thành tấm “thẻ bài” để những người Việt nơi đây vượt qua khó khăn, tồn tại và
chiếm được cảm tình của người bản xứ. “Người Thái ở đây vẫn nói: Người
Duồng (người Việt) rất tốt bụng” - bà Vỵ kể.
Deng Nem Nuong
không chỉ mang lại tiếng thơm cho người Việt trên đất Thái mà còn có công trong
việc giới thiệu nét văn hóa Việt cho người bản xứ. Khi ông Tuân mất, nhà vua
Thái Lan đã dành cho gia đình bà một đặc ân. “Nhà vua cho rước lửa lấy từ trong
cung mang về thắp trên bàn thờ trong suốt những ngày tang lễ của chồng tôi”, bà
Vỵ nhớ lại.
Lược trích bài của Bùi Ngọc Long
Thợ ảnh ở Wat Phra That Phanom
Wat Phra That Phanom là một ngôi chùa nổi tiếng ở huyện Phanon, phía nam
của tỉnh Nakhon Phanom vùng đông bắc Thái Lan. Tại đây, chúng tôi đã gặp những
thợ ảnh dạo người Việt.
Wat Phra That
Phanom là quần thể chùa và các bảo tháp, trong đó có tháp lớn nhất có chứa xá
lợi của Đức Phật. Theo truyền thuyết, trong bảo tháp có chứa xương ngực của Đức
Phật, nên được xem là một trong những cấu trúc quan trọng nhất của Phật giáo
nguyên thủy trong khu vực. Ban đầu nó được xây dựng vào thế kỷ 16 do vua Lào
Setthathirath khởi xướng. Mỗi năm, một lễ hội được tổ chức tại Phanom để tôn
vinh các ngôi đền. Lễ hội diễn ra trong suốt một tuần lễ với sự tham dự hàng
ngàn người hành hương đến chiêm bái tại chùa. Ngôi chùa trước đó đã xuống cấp
và được trùng tu xây dựng lại từ kinh phí của chính phủ nên đã mang một dáng vẻ
rất tráng lệ.
Hai anh em chị Nguyễn Thị Bé và Nguyễn
Văn Diêm chụp ảnh dạo ở Wat Phra That Phanom. Ảnh: B.N.L
Đang mải mê với
những ngôi tháp tráng lệ ở Wat Phra That Phanom, chợt có người vỗ vai tôi bảo:
Có chụp một tấm hình kỷ niệm không? Tôi quay lại, đó là một người con gái
khoảng 30 tuổi, với áo ghi lê, mang đầy máy ảnh, ống ngắn ống dài. Tôi hỏi, chị
đi du lịch à? Người phụ nữ áo đẫm mồ hôi giữa cái nắng trưa đáp: “Không, em ở
đây, em chụp ảnh ở đây”.
Dù trong đoàn
ai cũng đều có máy ảnh, nhưng trước cuộc gặp gỡ bất ngờ ấy, chúng tôi cũng phải
dừng lại chụp một tấm ảnh để ủng hộ chị.
Người phụ nữ đó
tên Nguyễn Thị Bé, có gương mặt rám nắng. Chị Bé cùng với anh trai của mình là
Nguyễn Văn Diêm hằng ngày đến chùa Wat Phra That Phanom để chụp ảnh dạo kiếm
sống.
Bé cho biết ba
mẹ chị sang đây lâu lắm rồi. Bây giờ họ đã qua đời hết. Chỉ còn lại hai anh em
sống nương tựa vào nhau. Chị Bé năm nay đã hơn 30 tuổi còn anh trai của mình 34
tuổi. Cả hai sinh ra ở đây, được cha mẹ dạy cho tiếng Việt để khỏi mất gốc.
“Nghe ba mẹ nói quê ở Quảng Bình nhưng không biết ở đâu cả. Rất muốn có tiền để
về thăm quê, thăm nước mình một chuyến, nhưng nghèo quá nên thôi”, chị Bé rớm
nước mắt.
Anh Nguyễn Văn
Diêm cho biết mỗi tháng kiếm khoảng 14.000 baht. Với số tiền ấy, họ chỉ đủ sống
chứ không thể dư dả để dám mơ trở về thăm quê, thăm đất nước.
Ở Wat Phra That
Phanom có hàng trăm thợ ảnh hành nghề, đa số họ là người Thái, chỉ có khoảng
chục người Việt cùng làm công việc này. Cũng giống như các điểm di tích lịch sử
hay thắng cảnh ở VN, thợ ảnh dạo mời chào khách để chụp ảnh kiếm tiền. Nghề của
họ trước đây vốn kiếm được rất nhiều tiền, nhưng từ khi các loại máy ảnh kỹ
thuật số ra đời, công việc của họ khó khăn hơn. Để hấp dẫn du khách, các thợ
ảnh của Thái đã đầu tư luôn máy sang rửa ảnh tại chỗ. Chỉ sau vài phút bấm máy,
du khách có thể được cầm trên tay tấm ảnh của mình. Và quan trọng hơn, dù du
khách chụp ảnh có sành bao nhiêu thì các góc chụp vẫn không thể nào đẹp bằng
các thợ ảnh chuyên nghiệp này. Bởi họ chỉ cần nâng máy lên là đã biết ngay
trong ảnh sẽ có tiền cảnh, hậu cảnh là gì. Chính vì vậy, mà dù ai cũng có máy
ảnh, nhưng khi đến các điểm di tích cũng bỏ ra 15 baht để các thợ ảnh chụp một
tấm hình kỷ niệm.
Du khách chiêm bái tháp có xá lợi Đức
Phật tại Wat Phra That Phanom. Ảnh: B.N.L
Ở Thái, dịch vụ
chụp hình ở các điểm tham quan còn có rất nhiều cách làm hay để lấy tiền từ du
khách. Các thợ ảnh mang máy đứng canh ngay ở lối vào. Khi du khách vừa xuống xe
họ liền âm thầm bấm máy liên tục. Ảnh được sang rửa ngay tại chỗ và sau một
vòng tham quan, khi du khách trở lại xe sẽ vô cùng ngạc nhiên và thú vị khi
thấy ảnh của mình được bỏ vào khung trang trọng đặt lên một chiếc bàn. Nếu du
khách nào muốn lấy ảnh thì phải bỏ ra 15 baht, còn nếu không lấy cũng không
sao. Ảnh ấy sẽ được bỏ đi, còn khung ảnh sẽ được sử dụng cho người khác.
Lược trích bài của Bùi Ngọc Long
Phố chả Việt trên đất Ubon
Ở thành phố Ubon, vùng đông bắc Thái Lan, có một dãy phố chả Việt nổi
tiếng. Chủ nhân của những tiệm chả này là người Việt, quê gốc Nam Định sang
định cư ở đây từ trước 1945. Họ đã sinh sống và làm giàu trên đất Thái bằng
chính nghề truyền thống của VN.
Từ khách sạn
Laithong, trung tâm thành phố Ubon, vùng đông bắc Thái Lan, đi dọc đường phố
Xinalon chừng 2 km là đến dãy phố mặt tiền với những cửa hiệu chả Việt nổi
tiếng. Dừng chân trên dãy phố Việt, tôi chợt gặp lại cảm giác thân quen như
đang ở trên đường phố Nam Định, Sài Gòn hay Hà Nội.
Các công nhân lao động trẻ từ VN sang
đã có việc làm trong tiệm chả bà Mạo. Ảnh: B.N.L
Thấy người Việt
từ quê hương sang, những cô bán hàng đang nói tiếng Thái lập tức chuyển sang
nói tiếng Việt. Tuy giọng nói không thành thạo lắm nhưng cũng đủ khiến chúng tôi
cảm thấy ấm lòng khi gặp đồng hương ở nơi xa. Dãy phố có chừng 5-7 ngôi nhà,
chủ yếu là anh em trong một gia đình đã di cư sang Thái từ trước Cách mạng
Tháng 8 (1945). Những người thợ làm chả, đứng bán hàng ở đây đa số là thế hệ
thứ 2, thứ 3, sinh ra trên đất Thái. Thế nhưng, khi biết đoàn chúng tôi từ VN
sang, ai cũng tay bắt mặt mừng như gặp lại người thân.
Tiệm chả bò bà
Mạo, có hiệu là Daothong (tức Sao Vàng) nằm ngay mặt tiền của dãy phố. Bên
trong ngôi nhà là một xưởng với gần 20 công nhân, chủ yếu là người Việt. Cái
tên Sao Vàng cũng là cách để chủ nhân ngôi nhà nhớ về quê hương. Bà Mạo năm nay
đã hơn 90 tuổi. Bà theo gia đình sang Thái từ khi còn là con gái. Cả dãy phố
chả Việt này đều là anh em bà con của bà. Chị Mai, con gái bà Mạo, năm nay gần
40 tuổi. Chị sinh ra trên đất Thái, nhưng vẫn được gia đình dạy tiếng Việt để
không bị mất gốc. Chị Mai cho biết: “Mẹ chị bây giờ già quá rồi, nhưng những
khi gặp được người Việt quê hương sang là bà vui lắm”.
“Bố mẹ mình kể,
hồi mới sang Thái, họ cũng đã rất khó khăn. Họ làm đủ thứ nghề để kiếm sống, từ
rửa chén bát cho các nhà giàu đến bán hàng rong trên các phố. Một lần, khi gia
đình có tiệc, mẹ chị đã làm vài món ăn Việt đãi khách, trong đó có các món chả
truyền thống của VN. Sau khi ăn và thấy ngon, những người bạn Thái của gia đình
đã khuyến khích bố mẹ chị nên làm các loại chả Việt để bán. Phố chả Việt ra đời
từ đó”, chị Mai kể.
Người Thái vốn
quen ăn các món nướng với gia vị nhiều ớt, tỏi... nên khi ăn các loại chả Việt
họ rất thích. Cửa hiệu vì thế ngày một phát triển và trong gia đình nhiều người
trưởng thành đã tách ra làm cửa hiệu riêng, tạo nên một dãy phố chả Việt đặc
trưng. Bên cạnh chả là món chủ lực, các cửa hiệu còn sản xuất nhiều loại thịt
nguội khác như bò khô, cá khô tẩm gia vị, xúc xích bò, heo...
Chị Mai cho
biết hiện mỗi ngày tiệm chả của gia đình chị có thể bán hết 300 cây (đòn) chả
bò, chả heo các loại. Đặc biệt những ngày cuối tuần, tiệm chả có thể tiêu thụ
đến 1.000 cây chả. Doanh thu hằng tháng lên tới vài trăm ngàn baht. Với thu
nhập đó, họ trở nên giàu có ngay trên đất Thái.
Chị Mai đang hào hứng giới thiệu đặc
sản Việt trên phố Ubon (Thái Lan). Ảnh: B.N.L
Đa số công nhân
làm chả cho các cửa hiệu ở phố Ubon đều là con em người Việt. Bên cạnh những
người Việt định cư lâu năm ở Thái được nâng đỡ để có việc làm, tiệm chả bà Mạo
còn là nơi tiếp nhận và tạo việc làm cho hơn 10 lao động khác từ VN sang.
Nguyễn Khắc Chung, 23 tuổi, quê Hà Tĩnh, sang đây từ hơn 3 năm nay để làm công
nhân cho tiệm chả của bà Mạo. Chung cho biết: “Bọn em sang đây làm việc được
gia đình bà chủ rất thương, ngoài việc lo giấy tờ để trở thành lao động hợp
pháp, gia đình bà còn cho ở chung trong nhà như con cái. Mỗi năm, sau khi trừ
ăn uống chi phí, bọn em cũng gửi về cho gia đình được hơn 30 triệu đồng”.
Ở tiệm chả bà
Mạo, chúng tôi còn được những công nhân kể một câu chuyện khá xúc động. Chủ
tiệm đã đặt ra một giải thưởng cho các công nhân Thái gốc Việt là ai làm giỏi
mỗi năm sẽ được thưởng một chuyến về thăm quê hoặc đi du lịch VN. Phần thưởng
này không dành cho người lao động từ VN sang, bởi trước sau gì họ cũng về nên
nếu làm giỏi họ chỉ được thưởng tiền. Riêng đối với những người Thái gốc Việt,
phần thưởng này có ý nghĩa rất lớn, tạo điều kiện cho tất cả những người Thái
gốc Việt ở đây được về VN để không quên nguồn cội. Không chỉ tiệm chả của bà
Mạo mà nhiều chủ doanh nhân người Thái gốc Việt khác hiện cũng học cách này.
Lược trích bài của Bùi Ngọc Long
Thống lĩnh “nghề Dynamo”
Ở Thái Lan có
một nghề được xem là “lãnh địa” độc quyền của người Việt, đó là dynamo.
Dynamo có nguồn gốc từ dynamics của
tiếng Đức, có nghĩa là năng lượng điện. Hiểu nôm na dynamo là nghề sửa chữa máy
điện. Ở Thái Lan nghề dynamo hiểu rộng hơn, bao gồm cả sửa chữa động cơ.
Ô tô rất phổ biến ở Thái Lan vì vậy cửa
tiệm dynamo mọc lên rất nhiều, đặc biệt ở thủ đô Bangkok. Giống như các tiệm
sửa chữa xe máy xuất hiện khắp ngõ ngách ở Việt Nam.
Nhìn cơ ngơi của gia đình anh Thọ, 57
tuổi, ở tỉnh Chonburi, cách Bangkok khoảng 100 km, không ai tin rằng gia đình
anh lại phất lên nhanh đến vậy khi chuyển về đây sinh sống chưa được bao lâu.
Gian nhà 200 m2 của anh vừa làm nhà xưởng, tiệm sửa chữa, vừa là nơi sinh hoạt
của gia đình nằm sâu trong con đường nhỏ, gần với khu dân cư. Thọ nói lúc nhỏ
học nghề này từ bố và theo nghề này hàng chục năm nay.
Anh
Thọ, một trong những người Việt thành công với nghề dynamo ở Thái Lan
Cách nay vài chục năm, hầu hết các
ngành nghề có thể truyền dạy cho người Thái Lan đều từ chối cho người Việt theo
học, ngoại trừ nghề dynamo. “Đây là nghề vất vả, lấm lem dơ bẩn và cũng chẳng
được nhiều tiền nên người Việt mới được phép cho học”, anh Thọ nhớ lại. Nói là
cho phép học thì hơi quá, kỳ thực người Việt vẫn bị cấm, nhưng một số ông chủ
giả vờ không biết học trò là người Việt. Nhờ lòng tốt của một số người Thái nên
nhiều người Việt học được nghề này và theo nó cho đến hôm nay. Nghề dynamo được
nhiều gia đình người Việt truyền qua nhiều thế hệ. Trong gia đình anh Thọ, có
người em cũng theo nghề dynamo và hiện sở hữu một cơ ngơi không thua kém anh ở
cách đấy vài km.
Anh Văn (không muốn nêu tên thật) ở
Bangkok theo nghề dynamo trên 30 năm, là một trong những người Việt có tay nghề
cao, được khách hàng tin tưởng. Anh cho biết những ngày đầu học nghề khá vất
vả. Vì biết là người Việt nên chủ không muốn truyền đạt nhiều, suốt ngày bị sai
vặt là chính vì sợ học trò học hết bí quyết của thầy. Tuy nhiên, Văn bảo vì đó
là sự sống còn, là con đường duy nhất nên anh nhẫn nại, kiên trì đeo bám thầy
với quyết tâm học bằng được nghề.
Anh phải mất 6 năm học và làm việc, sau
đó thêm 2 năm nữa để nâng cao tay nghề. Bây giờ anh cảm thấy tự hào về tay nghề
của mình. Khi được hỏi trong suốt thời gian làm nghề có trường hợp nào anh bó
tay, xử lý không thành công không? Anh Văn cười và từ tốn nói rằng chưa. Anh
tâm sự, các trường hợp khó chỉ làm mất thời gian của anh chứ chưa có cái nào
buộc anh đầu hàng. “Khi có trường hợp khó xử lý tôi thường tham vấn các đồng
nghiệp hoặc anh em mình, vì vậy đối với tôi tất cả đều ổn thỏa”, anh chia sẻ.
Gia đình anh Văn có 11 anh chị em thì
có tới 8 người theo nghề dynamo. Anh là người truyền nghề cho các anh em của
mình. Hiện mỗi người đều có cơ sở riêng, không khấm khá như anh nhưng không ai
bỏ nghề vì thất bại. Điều anh mong ước chính là phát triển nghề này cho cộng
đồng người Việt, những thế hệ trẻ sau này. Anh bảo thường tiếp nhận các con em
người Việt tới học nghề và tận tình giảng dạy, nhưng tiếc rằng không có nhiều
người kiên trì bám trụ, phần lớn đều bỏ ngang vì không chịu nổi cực khổ của
nghề. “Tôi không hiểu giới trẻ người Việt bây giờ nghĩ gì, họ không còn cần cù
kiên nhẫn như thế hệ trước. Họ không muốn theo nghề dynamo, chỉ thích chọn nghề
nhanh kiếm tiền”, anh Văn bộc bạch. Điều anh bức xúc cũng dễ hiểu vì ngày nay
người Việt trên đất Thái có nhiều cơ hội để chọn nghề. Đó cũng là điều đáng
mừng cho những người Việt xa xứ.
Một
tiệm dynamo ở Bangkok
Sự phát triển của ngành công nghiệp ô
tô ở Thái Lan kéo theo sự phát triển của dynamo và cũng khuyến khích người
Thái, người Hoa tham gia vào nghề này ngày một đông. Tuy nhiên cộng đồng người
Việt vẫn thống lĩnh nghề dynamo trên đất Thái. Một người bạn nói với chúng tôi
rằng đi bất cứ chỗ nào ở Bangkok nếu có bảng hiệu dynamo thì có thể khẳng định
trên 80% là của người Việt.
Lược trích bài
của Minh Quang (Văn phòng Bangkok)
Khu “Bảy Hiền” ở Bangkok
Khu vực Suthipon-Khwan Wattana thuộc địa hạt Din Deng ở thủ đô Bangkok có
hàng trăm người Việt từ các tỉnh miền Trung sang làm việc trong các cơ sở dệt
may. Nhiều người đến đây không khỏi liên tưởng đến khu vực Bảy Hiền ở
TP.HCM.
Cứ khoảng từ 9
giờ sáng, khu vực Suthipon-Khwan Wattana lại sôi động hẳn lên. Đó là thời gian
bắt đầu giờ làm việc của các cơ sở gia công hàng may mặc. Những chiếc xe máy,
xe tải liên tục chạy ra, chạy vào chở trên đó là những cây vải, quần áo thành
phẩm. Hàng may mặc ở đây được đưa đi tiêu thụ ở các trung tâm đầu mối của Thái
Lan, trong đó có chợ quần áo nổi tiếng Pratunam cách đó vài ki lô
mét.
Chị Wan, 32
tuổi, mở cơ sở gia công khoảng 1 năm nay. Cơ sở của chị rộng khoảng 100 m2,
nằm cuối con đường Suthipon. Ngày trước chị làm công cho người khác, nhưng nhờ
chăm chỉ làm ăn nên chị có cơ hội mở được cơ sở của riêng mình. Chị Wan tuyển 8
nhân công đều là người Việt. Chị bảo ở Thái Lan rất khó tìm người chịu làm nghề
may vì vất vả và thu nhập lại không cao. “Người Thái chúng tôi thường nhận xét
người Việt khéo léo trong nghề may, lại chăm chỉ nữa nên cứ thấy người Việt là
tôi tuyển. Tôi hài lòng về cách làm việc của họ và chúng tôi cư xử với họ như
những người Thái”, chị Wan tâm sự.
Một người Việt đang chuẩn bị ráp quần
tây. Ảnh: Minh Quang
Huy qua Thái
Lan được hơn 1 năm và làm việc cho cơ sở của chị Wan được mấy tháng nay. Ngày
trước anh làm cho cơ sở khác gần đó, khi cơ sở chị Wan mở, thấy có điều kiện
tốt hơn nên anh chuyển qua. Huy bảo công việc ở Thái Lan khá nhiều và thu nhập
cũng tốt hơn ở quê nhà. Công việc của anh là ráp quần tây, hưởng lương theo sản
phẩm. Mỗi chiếc quần được chủ trả 17 baht (12.000 - 13.000 đồng). Trung bình
mỗi người làm 30-40 quần/ngày. Huy bảo ngày mới qua chưa biết nghề may (ở quê
mọi người chỉ quen làm ruộng) nên liên tục làm hỏng sản phẩm của chủ.
Luân, 25 tuổi,
quê ở Nghệ An, làm cho một cơ sở khác ở gần đó được hơn 1 năm cùng 3 anh chị em
của mình. Anh theo mấy anh chị em qua Thái Lan làm may. “Ngày mới qua khó khăn
lắm vì quen làm công việc nặng, còn đối với công việc tỉ mỉ chi tiết như nghề may
thấy không ổn, nhiều lần chán nản muốn về. Giờ thì đã quen, công việc tương đối
ổn”, Luân tâm sự. Bốn anh chị em Luân mỗi ngày cũng làm được 300 sản phẩm, mỗi
sản phẩm được 7 - 8 baht (5.000 - 6.000 đồng) nên thu nhập của họ khá hơn hẳn
so với khi còn ở Việt Nam.
Cơ sở may của chị Wan có nhiều người
Việt làm thuê. Ảnh: Minh Quang
Phần đông các
cơ sở ở khu vực Suthipon-Khwan Wattana đều có người Việt Nam làm việc. Có cơ sở
chỉ 1-2 người nhưng có nơi thuê đến 5-6 thậm chí 8 người như cơ sở của chị Wan.
Chủ lo chỗ ăn ở cho họ ngay tại cơ sở, phía dưới làm việc, phía trên gác gỗ là
nơi ngủ nghỉ của các công nhân. Người Việt qua Thái Lan làm việc với mong muốn
kiếm ít vốn để sau này về nước mở cơ sở làm ăn, chứ không ai có ý định lập nghiệp
lâu dài tại đây. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể thực hiện được mong ước
này.
Chị Ly cho biết
chị mới quay lại Thái Lan vài tháng nay, sau khi chị đã ở đây 4 năm và bắt đầu
lại từ đầu với nghề may.
“Là người Việt
Nam không ai muốn bỏ quê để đi làm ăn xa, bỏ con cái không người chăm sóc, bảo
ban. Nhưng vì cuộc sống mà phải qua đây làm thuê cho người ta. Nhớ con lắm, xót
lắm anh ơi!”, chị Ly rơm rớm nước mắt. Trò chuyện với chúng tôi mà tay chị vẫn
không ngưng làm, thỉnh thoảng chị ngước lên nhìn với ánh mắt đỏ hoe. Chị Ly bảo
ở Việt Nam làm một nhưng bên này phải làm gấp đôi, cực khổ và vất vả chỉ mong
kiếm tiền gửi về nuôi con. Thỉnh thoảng được chủ cho nghỉ phép chị đi xe qua
Lào để về Việt Nam thăm con. “Chỉ mong sao làm có tiền lo cho gia đình, con cái
ăn học đến nơi đến chốn. Đó là mong ước của những người Việt chúng tôi”, chị
chia sẻ.
Lược trích bài của Minh Quang (Văn phòng Bangkok)