HS “cá biệt” tại trại huấn luyện QĐ. Ảnh: AFP |
Theo AFP, nạn
bạo lực học đường ở Thái Lan cứ rộ lên vào mỗi đầu năm học mới (tháng
5). Tại nơi công cộng thường xuyên xảy ra những vụ ẩu đả thanh toán
giữa các băng nhóm học sinh.
Hồi tháng
6.2012, một băng nhóm học sinh đã nổ súng vào một chiếc xe buýt ở Bangkok, để
trả đũa một nhóm khác, nhưng đạn lạc, giết chết một người phụ nữ đi đường.
Có ít nhất ba
học sinh bị bắn chết và nhiều học sinh bị thương nặng phải nhập viện sau những vụ
trả thù tương tự giữa các băng nhóm học sinh kể từ tháng 5 đến nay.
Trong những
chiến dịch truy quét tội phạm học đường gần đây, cảnh sát Thái Lan đã thu giữ
nhiều loại súng, mã tấu, dao và thậm chí quả nổ tự chế từ các băng nhóm
học sinh.
Cảnh
sát Bangkok bắt giữ một băng nhóm học sinh sau một vụ ẩu đả. Ảnh: AFP
Cảnh sát
Bangkok cho AFP biết có trên 1.000 vụ học sinh đánh nhau trong giai đoạn
từ tháng 1 - 7.2012 và số vụ trên cả nước có thể còn cao hơn nhiều.
Trước thực
trạng bạo lực học đường ngày càng gia tăng, chính quyền Bangkok đã lập ra
một trại huấn luyện quân đội nằm phía bắc thủ đô Bangkok, dành riêng cho những
học sinh “cá biệt” và “nguy hiểm” nhất.
Một khi vào
doanh trại này, những học sinh trên sẽ bị buộc phải tuân thủ các mệnh
lệnh của huấn luyện viên quốc phòng và có cuộc sống kỷ luật như trong quân đội.
AFP cho hay
hiện có hơn 150 học sinh "côn đồ" đang phải tập luyện ráo riết mỗi
ngày trong trại huấn luyện quân đội này.
“Tôi đã dùng
dao đâm vào đầu một học sinh. Đôi lúc tôi thấy hối hận về những gì đã làm.
Nhưng nhiều học sinh như tôi phải hành hung, đánh những học sinh khác để
thể hiện đẳng cấp và vai vế của mình trong trường”, AFP dẫn lời Pond, một
học sinh 18 tuổi tại trại huấn luyện quân đội.
Pond cho biết
nề nếp sinh hoạt nghiêm khắc tại trại (mỗi ngày phải thức dậy lúc 5
giờ sáng, ăn sáng rồi tiến hành các bài tập rèn luyện thể lực gắt
gao) đã giúp em, học sinh “nổi tiếng lưu manh nhất trường”, quay lại sống
cuộc sống bình thường, tử tế hơn trước.
Tham gia lớp huấn luyện “bắt rắn”. Ảnh: AFP
“Hiện tại tôi
không còn muốn đánh nhau như trước nữa... tôi muốn quay lại trường học”, AFP
dẫn lời Pond.
Trong
suốt chương trình
"cải tạo" kéo dài 10 tuần, các huấn luyện viên quốc
phòng không chỉ giúp học sinh rèn luyện thể chất mà còn giáo dục đạo đức,
tinh thần kỷ luật thông qua những buổi thảo luận, tọa đàm và làm việc theo
nhóm, cùng nhau nấu ăn...
Một
buổi nói chuyện về những loại vũ khí chết người. Ảnh: AFP
“Khoảng 90% học
sinh rời khỏi trại huấn luyện thay đổi hoàn toàn, không đánh nhau nữa. Tuy
nhiên, cũng còn lại khoảng 10% vẫn tiếp tục đánh nhau, tham gia các
băng nhóm học sinh. Nhưng ít ra chương trình cải tạo này giúp chúng phải thay
đổi suy nghĩ”, theo một phát ngôn viên quân đội, trung tá Wanchana Sawasdeem.
Huấn luyện viên
quốc phòng, thượng tá Wijak Kesuda cho AFP biết: “Dạy cho những học sinh
này biết cách tôn trọng chính bản thân mình và những người xung quanh là phần
khó nhất”.
Phúc Duy - thanhnien.com.vn