Trang

Thứ Ba, 7 tháng 8, 2012

VỊ TRÍ NƯỚC XUẤT KHẨU GẠO CỦA TL SẼ THẾ NÀO?


Cách đây hơn một năm, bà Yingluck và đảng Vì nước Thái ra tranh cử với một trong các khẩu hiệu nâng giá gạo thêm 50% so với giá thị trường bấy giờ. Lời hứa này khiến cho đảng của bà Yingluck giành thêm điểm ở khu vực nông thôn nhưng hệ lụy của nó lớn hơn nhiều so với tính toán ban đầu: Thái Lan có nguy cơ để mất vị trí nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới và ngân sách nhà nước thiệt hại hàng tỷ USD. Lượng gạo tồn kho đang thực sự trở thành vấn đề đau đầu của Thủ tướng Yingluck Shinawatra.
Dựa vào kinh nghiệm năm 2008, thời kỳ mà giá gạo trên thị trường thế giới tăng gấp ba lần, người Thái hy vọng sẽ tiếp tục buộc một số khách hàng truyền thống chấp nhận nâng giá. Nigeria đã phải tăng giá từ 600 đến 850 USD/tấn. Thế nhưng năm 2011 sản lượng lương thực toàn cầu đã tăng đến 3%, đạt mức kỷ lục 720 triệu tấn. Ấn Độ trở lại thị trường, trở thành một đối thủ cạnh tranh lớn, đồng thời các nước xuất khẩu khác như Việt Nam, Pakistan tranh thủ cơ hội để chào bán với mức giá cạnh tranh hơn. Trong khi đó thị trường thế giới năm 2011 bắt đầu có dấu hiệu cung lớn hơn cầu và kết thúc năm với lượng lúa gạo tồn kho cao chưa từng có. Mới đây, Bangladesh đã từ chối một hợp đồng mua gạo Nhà nước. Khách hàng gần nhất của Thái là Bờ Biển Ngà ký hợp đồng mua 240.000 tấn gạo trắng vào đầu tháng 7 vừa qua.
Gạo trắng tiêu chuẩn Thái Lan hiện chào bán với giá bình quân 560 USD/tấn, so với 420 của Ấn Độ hay 408 của Việt Nam. Không thể cạnh tranh, xuất khẩu gạo Thái đã giảm 45% trong năm nay, còn 16 triệu tấn gạo tiếp tục nằm trong kho.
Khó khăn của Chính phủ Yingluck Shinawatra là, nếu bán toàn bộ số gạo còn lại ra thị trường, nó sẽ tiếp tục khiến giá gạo đi xuống. Nhưng nếu cứ găm giữ hàng trong khi thị trường thế giới không có biến động ngược lại, thiệt hại không hề nhỏ, có thể tới hơn 3 tỷ USD. Và sản phẩm thu hoạch mùa tới, khoảng đầu tháng 10, sẽ chứa vào đâu, nhất là năm nay sẽ tiếp tục hứa hẹn tăng trưởng tới 25%?
Có vẻ như Chính phủ Thái sẽ nghiêng về lựa chọn thứ hai, vì họ đã quyết định tiếp tục trợ giá cao su, và cũng không thành công: giá mủ cao su đã giảm 20% trong quý II.2012. Theo ước tính của tờ Thời báo phố Wall, chính sách này đã ngốn khoảng 475 triệu USD ngân sách, trong khi các chủ trang trại cao su vẫn tiếp tục biểu tình phản đối việc giá cao su giảm.
Đối với lúa gạo, chính sách thu mua tạm trữ hiện tại, các nhà sản xuất thích bán gạo với giá cao ổn định cho nhà nước, hơn là bán theo giá thỏa thuận trên thị trường.
Một số tờ báo đối lập Thái coi mua tạm trữ lúa gạo là chính sách mang nặng tính chất dân túy, trên thực tế nó đã làm ngân sách mất đứt 270 tỷ bath (tương đương khoảng 9 tỷ USD), trong đó một phần ba là do khối ngân hàng nông nghiệp quốc doanh và các hợp tác xã nông nghiệp. Thái Lan gần như chắc chắn sẽ phải nhường vị trí nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới cho Ấn Độ hoặc Việt Nam.
Tin trấn an là giá ngô và lúa mì trong mấy tuần gần đây có xu hướng tăng do lo ngại nắng nóng tại một số nước sản xuất chủ chốt. Giá lúa mì tháng trước đã tăng tới 35%, trong khi giá ngô cũng leo thang do thời tiết khô hạn ở Mỹ và Ucraina. Thị trường hai sản phẩm này có thể tác động đến giá lúa gạo, có xu hướng giậm chân tại chỗ sau khi các nước nhập khẩu chính như Bangladesh, Philippines và Indonesia đều được mùa. Các nhà nhập khẩu lúa mì và ngô có thể sẽ quay sang mua gạo và tạo nên một đợt tăng giá mới. Tuy vậy, nó chưa chắc đã đủ để giúp Thái Lan thanh toán lượng lúa gạo tồn kho quá lớn hiện nay.
Ngọc Nhàn (Báo điện tử Đại biểu nhân dân)

Xem thêm

Thailand will remain top rice exporter

Gạo Thái được mua thế chấp