Trang

Thứ Ba, 14 tháng 8, 2012

THỂ THAO ASEAN THỤT LÙI TẠI OLYMPIC 2012


Lee Chong Wei (Malaysia) tuột HCV đơn nam cầu lông. Ảnh: Internet.
Hoặc bị vượt lên nhanh chóng ngay cả với các môn có thế mạnh hoặc vẫn còn khoảng cách mênh mông so với tầm mức đoạt huy chương. Đó là nguyên nhân khiến thể thao Đông Nam Á tụt hậu ngày càng xa tại Olympic.

4 năm trước, Đông Nam Á có tới 5 quốc gia đoạt huy chương, trong đó có đến 2 nước có HCV là Thái Lan (2 HCV trong môn quyền anh hạng 51 kg và cử tạ nữ 53 kg cùng 2 HCB taekwondo hạng 49 kg và quyền anh hạng 67 kg) và Indonesia (1 HCV đôi nam cầu lông, 1 HCB đôi nam nữ cầu lông và 3 HCĐ ở cử tạ, cầu lông đơn nữ). Còn lại Việt Nam, Singapore và Malaysia đều có cùng 1 HCB (Việt Nam là cử tạ 56 kg của Hoàng Anh Tuấn, Malaysia là cầu lông đơn nam với Lee Chong Wei và Singapore là bóng bàn đồng đội nữ).
Trong khi đó, tại Olympic lần này chỉ còn 4 quốc gia Đông Nam Á giành được huy chương (không có Việt Nam) và không có quốc gia nào giành được HCV.
Bảng tổng sắp chung cuộc huy chương Olympic London 2012 (trích)

STT
Quốc gia
Vàng
Bạc
Đồng
Tổng
1
Mỹ
46
29
29
104
2
Trung Quốc
38
27
22
87
3
Vương quốc Anh
29
17
19
65
4
Nga
24
25
33
82
5
Hàn Quốc
13
8
7
28
11
Nhật Bản
7
14
17
38
57
Thái Lan
0
2
1
3
63
Indonesia
0
1
1
2
63
Malaysia
0
1
1
2
75
Singapore
0
0
2
2

Thái Lan là quốc gia thành công nhất ở London 2012 với 2 HCB (môn quyền anh và cử tạ) và 1 HCĐ (taekwondo), xếp hạng 57 trong tổng số 85 quốc gia có được huy chương tại London 2012. Tiếp theo là Indonesia và Malaysia với thành tích 1 HCB và 1 HCĐ, đồng xếp hạng 63 trên bảng tổng sắp huy chương. Cả hai huy chương bạc và đồng của Indonesia đều đến ở môn cử tạ. Còn Malaysia đoạt HCB môn cầu lông và HCĐ môn nhảy cầu. Trong khi Singapore giành được 2 HCĐ, đều từ môn bóng bàn, và xếp hạng 75, ngang với các quốc gia Hi Lạp, Moldova, Qatar và Afganistan.
Như vậy, có thể thấy thành tích này của các nước trong khu vực Đông Nam Á đều đã sụt giảm nghiêm trọng so với tại Bắc Kinh 2008.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu nằm ở chỗ: các nước Đông Nam Á nhanh chóng vị các quốc gia khác vượt lên ngay cả trong các môn có thế mạnh của mình. Hoặc ở trong tình trạng vũng trũng, sự vươn lên là có nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa so với tầm mức có thể tranh chấp huy chương.
Còn nhớ tại Olympic Barcelona 1992 (Tây Ban Nha) khi môn cầu lông lần đầu tiên được đưa vào thi đấu chính thức, Indonesia - quốc gia đang thống trị môn cầu lông thế giới khi đó, giành đến 2 HCV và 2 HCB trong tổng số 4 nội dung được đưa vào thi đấu (đơn nam, nữ; đôi nam, nữ). Đến năm 1996 ở Olympic Atlanta (Mỹ), Indonesia vẫn giành được 1 HCV, 1 HCB và 2 HCĐ và duy trì việc giành HCV đến Olympic Bắc Kinh 2008 (ở các nội dung đôi). Vì thế khi đôi nữ Meiliana Juahari và Greysia Polii bị loại ở Olympic London năm nay vì thi đấu phi thể thao thì có thể khẳng định Indonesia đã không còn khả năng giành vàng tại Thế vận hội năm nay. Hay như Thái Lan với môn quyền anh là thế mạnh giờ cũng đang suy yếu dần và chỉ giành được 1 HCB quyền anh tại Thế vận hội năm nay. Đó là chưa kể khoảng trống mênh mông mà các VĐV hàng đầu của thể thao các nước này như Lee Chong Wei (Malaysia) hay Nguyễn Tiến Minh (Việt Nam) để lại sau lưng.
Nhìn sang thể thao Hàn Quốc, đất nước xứ sở kim chi đã có 13 HCV - xếp thứ 5 trên bảng tổng sắp và là một trong những bất ngờ lớn nhất tại Olympic London năm nay. Bên cạnh những môn thế mạnh như bắn cung, taekwondo thì nay Hàn Quốc đã giành được HCV ở các môn khác như bắn súng, judo, đấu kiếm, thể dục dụng cụ. Đây chính là những bước đi hết sức đúng đắn của Hàn Quốc bởi họ xác định được rằng không thể địch lại được các cường quốc trong các môn “quá sức” như bơi lội, điền kinh…và chuyển hướng sang những môn đòi hỏi sự dẻo dai và khéo léo.
Trong khi đó đáng buồn là các nước Đông Nam Á vẫn kiên quyết bảo thủ trong việc cố tổ chức các kỳ SEA Games sao cho càng nhiều môn thi đấu càng tốt, nhất là những môn thế mạnh của nước chủ nhà (và trớ trêu thay đó đều là những môn không có trong chương trình thi đấu của Olympic) với lý do SEA Games cần phải phục vụ cho lợi ích, niềm tự hào và nhu cầu thưởng thức của mọi người thông qua những môn thể thao đặc trưng của các quốc gia trong khu vực. Với lý do đó thì việc thể thao Đông Nam Á thất bại trong việc kiếm vàng ở Olympic năm nay và thậm chí là trong các kỳ Thế vận hội trong tương lai âu cũng là điều dễ hiểu.
Hà Phương - thethao.vietnamnet.vn