Trang

Thứ Hai, 16 tháng 7, 2012

Gạo Thái được mua thế chấp


SGTT.VN - Theo báo cáo gần đây của Viện Nghiên cứu phát triển Thái Lan (TDRI), xuất khẩu gạo của nước này trong tháng 1 giảm tới 44% so cùng kỳ năm ngoái, khiến Thái Lan gần như chắc chắn đánh mất vị thế nhà xuất khẩu gạo hàng đầu.
Theo “Chương trình thế chấp gạo” ban hành tháng 9.2011, chính phủ mua gạo trực tiếp từ nông dân với giá khoảng gấp hai giá thị trường: 15.000 baht (khoảng 500 USD) cho 1 tấn gạo tẻ thường và 20.000 baht cho 1 tấn gạo thơm cao cấp Hom Mali. Chương trình này mang lại lợi ích cho phần lớn những nông dân trồng lúa quy mô nhỏ ở vùng nông thôn nghèo phía đông bắc và vùng đồng bằng trung tâm. Đấy là những thành trì vững chắc đối với đảng cầm quyền Pheu Thai của bà Yingluck.
Tuy nhiên, nếu chương trình này là một món thưởng hời với nông dân (ít nhất là trong ngắn hạn) thì nó ngày càng tỏ ra là thảm hoạ với những nhà xuất khẩu gạo. Họ có xu hướng ủng hộ đảng Dân chủ đối lập và chính sách hỗ trợ thu nhập cho nông dân hơn là mua gạo giá cao.
Việc chính phủ thu mua gạo mạnh tay khiến lượng gạo dự trữ còn lại quá ít để những nhà xuất khẩu tư nhân như ông Vichai – một nhà xuất khẩu gạo lâu đời – bán ra nước ngoài. Loại gạo mà ông Vichai hiện nắm trong tay có giá cao hơn 100 USD/tấn so với cùng loại giao từ Ấn Độ và Việt Nam – một phần vì Ấn Độ hưởng lợi từ một nền tiền tệ yếu.
Những nhà xuất khẩu tư nhân cũng lo ngại khả năng xảy ra tham nhũng tại các nhà máy gạo, có thể ảnh hưởng đến thanh danh nước xuất khẩu gạo chất lượng của Thái Lan. Có tin rằng, một số nhà máy trộn các loại gạo giá rẻ như Pathum Thani và Phitsanulok với loại Hom Mali, sau đó dán nhãn gạo 100% Hom Mali và bán đi!
Sự thiếu minh bạch trong việc mua gạo ồ ạt của chính phủ cũng có nguy cơ bóp méo thị trường. Hiện chưa rõ chính phủ tích trữ bao nhiêu lượng gạo trong các nhà kho (dự đoán có thể đạt 10 triệu tấn), cũng như không biết rõ mức giá sẽ được ban hành khi số gạo này bán ra thị trường. Đến nay, giới chỉ trích nói chính phủ có vẻ đã đưa ra những giả định sai lầm rằng tích trữ gạo sẽ đẩy giá gạo trên thị trường quốc tế lên. Đối với cái gọi là lợi ích cho người nông dân, có những nghi ngờ rằng phần lớn đồng tiền chảy vào túi những người môi giới, xay xát và người trung gian.
Về góc độ kinh tế quốc gia, chủ tịch TDRI Nipon Poapongsakorn cảnh báo nếu tiếp tục kéo dài chương trình mua gạo thế chấp trong 3 – 4 năm sẽ chỉ khiến nền kinh tế ảnh hưởng, tạo một gánh nặng về chi phí tài chính. Từ đó có thể đặt Thái Lan vào tình trạng khủng hoảng nếu xảy ra thiên tai bất ngờ.
TDRI dự đoán, việc thế chấp vụ mùa chính và vụ mùa thứ hai sẽ khiến Thái Lan thiệt hại 70 – 100 tỉ baht doanh thu xuất khẩu. Tuy nhiên nếu chính phủ tiếp tục dự trữ gạo quá lâu, ảnh hưởng đến chất lượng thì có thể bị thiệt thêm 80 – 90 tỉ baht. “Một mức giá thế chấp gạo quá cao sẽ chỉ làm lợi cho nông dân ở Việt Nam, Ấn Độ và Campuchia”, ông Poapongsakorn nói. Ông cảnh báo nếu chính phủ dừng chương trình này sau khi nền công nghiệp gạo đã suy yếu thì sẽ rất khó khăn để phục hồi.
Cảnh Toàn (Economist, BKP, The Nation)

An Bường sưu tầm ảnh Interrnet.