Đi shoping về có tư liệu nóng hổi... đ...â...y...
Ngồi hoặc đứng (nếu đông, nếu thích) trên minibus kiểu như xe Tuk tuk nhưng lớn hơn một chút (tiếng Thái gọi là Lốt Soỏng Thẻo), từ nhà đến chợ Min Buri (quận Min Buri) khoảng 8-9 km hết 10 Baht tự trả (giá không tăng). Tỷ giá theo NH Bangkok ngày 21/10/2011, mua vào là 1,1 và bán ra 1,65 Baht trên 1.000 VND.
Xe dừng điểm cuối là chợ Min Buri. Chúng tôi lượn cả chợ chính và các khu vực có chợ vỉa hè quanh đó. Một vài phố nhỏ vào chợ đã lấp xấp nước ngập, có mấy khúc ngập nặng thì đúng là dòng sông. Gió nhẹ, nắng chiều lung linh trên mặt nước sông-phố. Người chen chúc đi chợ vỉa hè. Chợ và "sông" chạy song song. Thật là hữu tình và cũng đầy tính thương mại. Ở Thái Lan nói chung và BKK nói riêng có nhiều chợ vỉa hè, đặc biệt nhiều chợ loại này chỉ mở cuối tuần. Người dân có chỗ bán, ngành thuế lại tăng khoản thu.
Mặt tiền chính chợ Min Buri (BKK). Ảnh An Bình
Vào chợ vỉa hè phố Srihaburanukij. Ảnh An Bình
Phố-sông Srihaburanukij. Ảnh An Bình
Thông thường chợ ngày cuối tuần đông hơn các ngày khác, hôm nay cũng vậy nhưng chỉ đông hơn một chút. Mọi người tất tả, chủ yếu là mua đồ ăn thức uống.
Chúng tôi chỉ quan tâm mặt hàng tươi sống. Đi qua một quầy lèo tèo mấy thứ. Hình như quầy này tranh thủ bán vào cuối tuần nên chỉ có chừng đó mặt hàng thôi. Người bán là một me (tiếng Thái có nghĩa là mẹ).
Me đang nghĩ gì? Ảnh An Bình
Chợ có cá nước ngọt, hình như nó muốn về với “sông-phố”.
Cá quẫy bên “sông”. Ảnh An Bình
Cá biển loại như ở ảnh dưới (tiếng Thái là Pà tu, không biết tiếng Việt là gì, nhìn giống Cá nục, nhưng cái mặt nó có vẻ “đầu gấu”). Rất đông người mua, nên phải đứng xếp hàng để chờ đến lượt. Quầy này, ngày thường cũng bán được lắm. Hôm nay giá cả cũng thế, nhưng số lượng giảm từ 3 con xuống 2 con trong 1 giỏ. Có 2 loại, 25 Baht và 30 Baht một giỏ.
Cá nằm im thin thít. Ảnh An Bình
Hàng rau cũng đông người mua. Nói chung so với ngày thường 5 hay 10 Baht, ngày lụt thứ thực phẩm này phải trả gấp đôi.
Quầy rau này sao đông thế? Ảnh An Bình
Chọn đi, 53 Baht một chục thôi mà. Ảnh An Bình
Cũng đường, nhưng loại như ảnh dưới đây lại khô cong. Nó cong thật vì là đường của cầu vượt. Tôi thấy trên đó xe đậu la liệt, mỗi chiều là 3 hàng xe. Người dân được phép đậu xe cả ngày đêm trong những ngày nước tràn về. Đây là giải pháp phù hợp, rất được hoan nghênh. Bản thân xe nhà tôi cũng phải gửi trước hơn 1 tuần rồi ở Công ty của anh hàng xóm, nên đành phải đi xe công cộng.
Ngày lụt xe được đậu trên cầu. Ảnh An Bình
Trong chợ không ngập cũng khóc. Ảnh An Bình
Đi chợ về, bật TV xem, thấy nói có chuyện lấy trộm đồ, lặt vặt thôi, ở một số khu ngập lụt. Người dân phản ứng ghê lắm. Tôi không ngờ và cũng thấy buồn luôn.
Mấy ngày này trên TV thường xuyên có các cuộc phỏng vấn đại diện các cơ quan liên quan chống lũ lụt, các chuyên gia, người dân. Người dân được nghe thông tin nhiều và chi tiết để biết giải pháp và tiến trình thực hiện, cũng như giám sát được việc làm liên quan của các cơ quan này.
An Bình
BKK, 23/10/2011.