Trang

Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2012

Phe đối lập muốn điều trần bất tín nhiệm Chính phủ TL


“Cuộc đấu cuối cùng”giữa đương kim Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra và lãnh đạo đảng đối lập Dân chủ Abhisit Vejjajiva có thể sẽ diễn ra vào đầu tháng 11. Theo thông tin trên tờ The Nation số ra ngày 24/10, phe đối lập ở Thái Lan đã sẵn sàng tổ chức một cuộc điều trần bất tín nhiệm đối với Chính phủ.
“Cuộc đấu cuối cùng”giữa đương kim Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra và lãnh đạo đảng đối lập Dân chủ Abhisit Vejjajiva có thể sẽ diễn ra vào đầu tháng 11. Theo thông tin trên tờ The Nation số ra ngày 24/10, phe đối lập ở Thái Lan đã sẵn sàng tổ chức một cuộc điều trần bất tín nhiệm đối với Chính phủ.
Tờ The Nation dẫn lời của ông Abhisit Vejjajiva cho biết, đảng Dân chủ sẽ gửi kiến nghị tổ chức điều trần lên Chủ tịch Hạ viện vào cuối tháng này. Một số nguồn tin từ đảng Dân chủ cho hay, sau 4 tháng chuẩn bị, đảng này đã đưa ra một loạt danh sách các vấn đề kiến nghị chính phủ phải điều trần. Nhiều khả năng, cùng bị điều trần với Thủ tướng Yingluck Shinawatra còn có một số Bộ trưởng như Bộ trưởng Tài chính Kittiratt Na-Ranong, Bộ trưởng Thương mại Boonsong Teriyaphirom, Ngoại trưởng Surapong Towichuckchaikul.
Chưa hết, một số Bộ trưởng khác trong chính phủ được cho là thân cận của Thủ tướng cũng sẽ phải trả lời một loạt câu hỏi do đảng Dân chủ đưa ra. Dự kiến, các vấn đề được đưa ra điều trần đều liên quan đến chương trình trợ giá gạo, các dự án phòng chống lũ và chính sách tiền lương tối thiểu 300baht/ngày cho lao động phổ thông.
Quan điểm của đảng Dân chủ là chính sách tiền lương tối thiểu đang được áp dụng thử nghiệm ở 7 tỉnh và dự kiến sẽ phổ biến trên toàn Thái Lan vào năm tới có tác động xấu tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Riêng đối với chính sách trợ giá gạo, ông Abhisit Vejjajiva đã bày tỏ sự lo ngại về việc chính phủ từ chối xem xét lại chính sách này bất chấp những ý kiến đóng góp của các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước.
Sau hơn 1 năm chèo lái Thái Lan vượt qua những sóng gió về kinh tế, chính trị, Thủ tướng Yingluck Shinawatra vẫn nhận được nhiều sự ủng hộ của người dân.
Hồi đầu tháng 10, chính phủ Thái Lan đã quyết định tiếp tục chương trình trợ giá gạo và đẩy nhanh tốc độ giải phóng các kho dự trữ hiện nay. Bộ trưởng Thương mại Boonsong Teriyaphirom giải thích rằng, chương trình trợ giá gạo có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của người nông dân. Tuy nhiên, đã có những ý kiến chỉ trích rằng chương trình trợ giá trên dẫn tới hệ quả là giá gạo xuất khẩu của Thái Lan sẽ bị đẩy lên do giá thu mua ở thị trường trong nước cao.
Thậm chí, một số chuyên gia còn cho rằng chương trình trợ giá gạo có thể mang lại lợi ích trước mắt cho nông dân nhưng về lâu dài dẫn tới nguy cơ làm gạo Thái Lan mất tính cạnh tranh với các nước xuất khẩu khác. Ủy ban các vấn đề kinh tế, thương mại và công nghiệp của Thượng viện Thái Lan đã có kết luận rằng chính sách này có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế đất nước.
Hôm 20/10, Liên đoàn Gạo của Mỹ (USA Rice Federation) cũng trình lên Bộ Thương mại nước này chứng thư yêu cầu xem xét chính sách trợ giá gạo của Thái Lan và gửi một kiến nghị tương tự lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đề nghị điều tra chính sách này. Vấn đề cuối cùng của cuộc điều trần, theo các nhà phân tích, có thể là về lệnh bắt nhằm vào cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, anh trai của Thủ tướng Yingluck Shinawatra.
Lệnh này đã được Tòa án Tối cao Thái Lan ban hành hôm 11/10 với 5 cáo buộc tội danh, trong đó có lạm dụng chức quyền và vi phạm luật ngân hàng. Các nhà phân tích nhận định, việc đảng đối lập Dân chủ đề nghị tổ chức điều trần bất tín nhiệm chính phủ vào thời điểm này sẽ tạo nhiều áp lực lên chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra.
Nguyên do là vì trước đó bà Yingluck Shinawatra đã từ chối thay đổi nội các sau khi xảy ra nhiều “sóng gió” quanh việc Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Kittiratt Na-Ranong thừa nhận ông đã cố ý phóng đại mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu hồi đầu năm để thúc đẩy niềm tin của các doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư. Lời thú nhận này của ông Kittiratt không những không được đánh giá cao vì tính chân thật mà còn làm dấy lên làn sóng phẫn nộ của công chúng đối với trách nhiệm của chính phủ trước những thông tin công bố chính thức.
Ngay sau đó, rộ lên tin đồn về kế hoạch cải tổ nội  các với lý do là 111 chính trị gia nước này từng là lãnh đạo đảng Thai Rak Thai, mới đây đã mãn hạn cấm tham gia chính trị trong vòng 5 năm. Nhiều nhân vật trong số này được tin là sẽ quay trở lại nắm giữ những vị trí trọng yếu trong chính phủ của bà Yingluck Shinawatra.
Đây cũng chính là lý do khiến đảng Dân chủ càng xúc tiến việc điều trần bất tín nhiệm chính phủ. Trước những thông tin này, Thủ tướng Thái Lan hôm 10/10 đã buộc phải ra tuyên bố, vào thời điểm này, sẽ không có thay đổi trong nội các bởi bà không muốn chính phủ đang hoạt động có những gián đoạn, ảnh hưởng đến việc điều hành đất nước.
Được biết, hồi tháng 8, Viện Nghiên cứu Dusit của Thái Lancũng đã thăm dò dư luận về một năm cầm quyền của nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra. Đa số người dân Thái Lan đã tỏ ra hài lòng về sự nỗ lực, tận tụy điều hành đất nước của Thủ tướng Yingluck Shinawatra, với mức điểm đạt gần 7 trên 10.
Ngọc Khuê - cand.com.vn