Trang

Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2012

Báo Thái Lan: Người Việt rất ‘chịu chi’ cho hàng Thái

Ảnh minh họa: Internet.
“Người tiêu dùng Việt Nam đang sẵn sàng chi nhiều tiền hơn để mua một sản phẩm Made in Thailand, đây là một cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Thái nhưng chúng ta cũng cần chuẩn bị kỹ càng”, tờ Bưu điện Bangkok viết.
Bài viết trong mục “Tiêu điểm châu Á” của tờ Bưu điện Bangkok lên tiếng “cảnh báo”: Hàng hóa Thái Lan đang được tận hưởng một sự tín nhiệm “trên mức trung bình” ở Việt Nam và điều đó khiến cho người tiêu dùng Việt sẵn sàng trả cao hơn một chút đối với các mặt hàng mang nhãn “Sản phẩm của Thái Lan”.
Tuy nhiên, khẩu vị của người tiêu dùng thì liên tục thay đổi và những người làm thị trường phải chuẩn bị để bảo vệ uy tín sản phẩm của mình trước những đối thủ cạnh tranh mới.
Mặc dù hiện tại, hàng hóa Thái Lan không tràn ngập thị trường Việt Nam như hàng Trung Quốc nhưng sự hiện diện đang ngày một gia tăng. Trong số các hàng hóa thương hiệu Thái, nổi bật nhất và đang chiếm một thị phần đáng kể là nước uống tăng lực Red Bull, đồ lót nam Rosso, mỹ phẩm BSC, hàng thực phẩm Three Lady Cooks, bột giặt Pao và nước hoa quả Malee...
“Một trong những điều đầu tiên chúng ta cần phải làm là duy trì sự trung thành của người tiêu dùng đối với các hàng hóa nhãn hiệu Thái Lan và tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm”, tiến sỹ Siwarit Pongsakornrungsilp, người đứng đầu Viện nghiên cứu về tiêu dùng và kinh tế (CSE) của trường ĐH Walailak nhận xét, “Điều quan trọng là chúng ta phải nhận ra sự ảnh hưởng của truyền thông kỹ thuật số. Khi họ biết đến nhiều sản phẩm, họ sẽ do dự hơn trong việc đưa ra quyết định mua hàng”.
Trong lời khuyên dành cho các doanh nghiệp Thái phương án mở rộng thị phần ở Việt Nam, ông Siwarit Pongsakornrungsilp nhắc nhở các nhà xuất khẩu Thái cần tạo ra sự khác biệt trong “câu chuyện về thương hiệu” của sản phẩm. “Phát triển thành công một thương hiệu là yếu tố tiên quyết trong việc thu hút khách hàng, gia tăng sự nhận biết thương hiệu đồng thời đưa thương hiệu của mình trở nên độc đáo và ghi dấu sâu hơn trong tâm trí của người tiêu dùng”, vị chuyên gia này nói.
Ông Siwarit Pongsakornrungsilp cũng nhắc lại bài học sử dụng văn hóa để tiếp thị cho hàng hóa mà Hàn Quốc đã làm rất thành công ở Việt Nam hay trên khắp các thị trường châu Á khác.
Năm ngoái, Việt Nam đã nhập khẩu lượng hàng hóa trị giá khoảng 13,17 tỷ USD từ Hàn Quốc, tăng tới 65% so với mức 8 tỷ USD so với 3 năm trước đó. Mức gia tăng này chủ yếu nhờ vào sự hâm mộ của giới trẻ đối với K-Pop và sự si mê của các bà nội trợ với các bộ phim truyền hình Hàn Quốc.
“Các nhà xuất khẩu Thái có thể học bài học thành công này của Hàn Quốc và đưa sản phẩm của mình trở thành “đề tài của mọi câu chuyện” trong cư dân thành phố. Và nếu các nhân viên ở cửa hàng có một cái nhìn thiện cảm và tích cực với sản phẩm của bạn, đó sẽ là một lợi thế vô cùng lớn”, ông Siwarit tỏ ra khá am hiểu tâm lý người tiêu dùng Việt khi tiếp tục đưa lời khuyên.
Các nhà nghiên cứu thị trường đã phát hiện ra rằng, những người Việt đi mua hàng, đặc biệt là những người trung niên trở lên thường rất thích giao tiếp với người bán hàng, tiếp nhận lời bình phẩm cũng như gợi ý của người bán về sản phẩm. Một nghiên cứu về xu hướng mua sắm do hãng Nielsen tiến hành cho biết, người Việt được xếp vào nhóm những người “say mê khuyến mãi nhất châu Á” nên các chương trình khuyến mãi sẽ có tác dụng rất lớn trong việc tăng doanh số bán hàng.
Ảnh minh họa: Internet.
“Tham gia vào các triển lãm và hội chợ là một trong những công cụ xúc tiến thương mại rất hiệu quả cho nhà xuất khẩu trong việc giới thiệu sản phẩm mới đến thị trường Việt Nam”, Busaba Butrat, giám đốc Trung tâm thương mại Thái ở Hà Nội nói thêm.
Kể từ khi Triển lãm Thương mại Thái Lan đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam 12 năm trước đây, các nhà tổ chức và những người tham gia đã sử dụng hiệu quả sự kiện này để nghiên cứu xu hướng tiêu dùng của người dân địa phương và tìm hiểu đối thủ cạnh tranh nhằm đưa ra những chiến lược marketing quan trọng.
“Hiểu biết về lịch sử, văn hóa, phong tục và thậm chí là ngôn ngữ của thị trường mục tiêu là những biện pháp được đánh giá cao và đặc biệt là bạn không được sử dụng các chiến lược marketing giống nhau cho các tỉnh khác nhau ở Việt Nam”, tiến sỹ Siwarit nhấn mạnh.
Dựa trên những nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa tiêu dùng ở Việt Nam, ông Siwarit cho rằng Việt Nam là một trong những thị trường khắc nghiệt nhất đối với giới doanh nhân. Các mô hình kinh doanh có thể rất thành công ở đâu đó tại châu Á nhưng không có nghĩa là nó sẽ thành công ở Việt Nam. Điển hình nhất là Hà Nội và TP.HCM có những văn hóa tiêu dùng rất khác nhau và chiến lược bán hàng đang được sử dụng ở miền Nam không chắc chắn sẽ thành công ở phía Bắc và ngược lại.
“Những người dân phía Bắc thường có thói quen mua hàng dựa theo tính cần thiết, sự kỳ vọng và phù hợp với nhu cầu trong khi người dân phía Nam thường thích mua hàng để được “nổi bật trước đám đông”. Thông điệp quảng cáo và gương mặt đại diện là những yếu tố rất quan trọng với người dân TP.HCM nhưng lại ít quan trọng với người Hà Nội. Các doanh nhân cần phải đặc biệt chú ý đến sự khác biệt này”, ông Siwarit nói thêm.
Theo số liệu của Bộ Thương mại Thái Lan, kim ngạch xuất khẩu Thái Lan - Việt Nam trong năm 2011 đạt khoảng 274,55 tỷ baht (khoảng 8,7 tỷ USD), tăng khoảng 25% so với năm trước đó. Các mặt hàng xuất khẩu nhiều nhất sang Việt Nam là thực phẩm chế biến, dụng cụ nhà bếp, đồ điện tử, quần áo, hóa mỹ phẩm, sắt thép, cao su và ô tô-xe máy.
Một trong những ưu điểm của hàng hóa Thái Lan được người tiêu dùng Việt đánh giá cao là “giá mềm”, chỉ cao hơn so với hàng trong nước khoảng từ 10-20% và rẻ hơn so với hàng hóa châu Âu tới 50%.
“Cơ hội rất lớn đang chờ chúng ta ở Việt Nam. Để có thể đưa được hàng hóa của Thái Lan lên các kệ hàng ở Việt Nam và thu được lợi ích kinh tế cao nhất trong một thị trường có gần 90 triệu dân, các doanh nhân phải chuẩn bị kỹ càng và phải biết đối phó với tốc độ thay đổi của thị trường”, nhóm các chuyên gia nghiên cứu thị trường của Thái Lan kết luận.
Bài: Phan Sương - infonet.vn