Trang

Thứ Năm, 13 tháng 9, 2012

“Xuất khẩu gạo số 1” hay “dân hạnh phúc”?

Ảnh minh họa: Internet
Ngày 5/9/2012, nhiều kênh truyền hình Việt Nam đưa tin Thái Lan đã bị mất vị thế nước xuất khẩu gạo số 1 thế giới, nhưng nông dân Thái hoan nghênh Chính phủ nâng giá mua lúa lên gấp rưỡi giá cũ. Bà con xem đài mong ước nông dân mình cũng được như vậy.
Chính phủ ta cũng có rất nhiều quyết định với mục đích bảo vệ quyền lợi nông dân như: Quy định phải mua lúa với mức giá đảm bảo cho nông dân có lãi 30% so với giá thành; Ứng tiền ưu đãi cho DN mua lúa tạm trữ khi giá lúa thấp; Khuyến khích doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nông dân; Từ năm 2008 đã có kế hoạch xây kho chứa 4 triệu tấn lúa gạo…
Tuy nhiên, các cơ quan giúp việc của Chính phủ chưa hoàn toàn sát thực tế đã khiến cho các quyết định có mục đích tốt đẹp ấy chưa thể thực hiện một cách trọn vẹn! Đáng tiếc hơn nữa là tình trạng ấy kéo dài vẫn chưa được kịp thời điều chỉnh. Việc quy định cho nông dân được lãi 30%, nhưng không có nơi tính ra được giá thành. Việc ưu đãi tiền vay mua lúa chỉ giúp cho DN mua lúa giá rẻ thu lãi cao hơn; Nông dân sản xuất manh mún, DN rất khó ký hợp đồng với hàng vạn hộ.
Nhưng nguyên nhân chính là vì họ chẳng cần phải ký hợp đồng để bị buộc bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Họ mua bán gạo ăn đầu tấn, giá gạo thế giới xuống thì không mua nữa, lỗ nông dân phải gánh chịu! Kế hoạch xây kho qua 4 năm vẫn giẫm chân tại chỗ, bởi không quy định rõ trách nhiệm, không giải quyết cụ thể về đất nền, vốn vay… So sánh cách giải quyết việc mua lúa giữa ta và Thái Lan sẽ thấy nước bạn có giải pháp sát thực tế và vì lợi ích nông dân hơn: Họ cho nông dân ký gửi lúa gạo và được nhận tiền ngay. Sau 3 tháng ký gửi nếu giá lúa lên cao thì nông dân sẽ được nhận khoản tiền chênh lệch. So sánh tổ chức khuyến nông giữa ta và họ, cũng thấy họ đề ra rất nhiều việc thiết thực hướng dẫn nông dân từng vùng miền làm ăn có hiệu quả hơn, còn ta cách vận động nặng về hình thức, theo kiểu cổ vũ “phong trào”.
Nhìn chung thì thấy nông dân chúng ta được chăm lo rất nhiều: Đảng có những nghị quyết về nông dân, nông nghiệp nông thôn. Chính phủ có 5 bộ có trách nhiệm chăm lo cho nông dân. Hội Nông dân, Hiệp hội Lương thực, Hiệp hội Bảo vệ thực vật, Hội Khuyến nông… đều tự nhận mình ra đời là vì lợi ích của nông dân. Nhưng những người có tâm huyết với nông dân đều cho rằng nông dân thực sự chưa có “nhạc trưởng”. 
Nhiều câu hỏi lớn sau đây chưa được trả lời một cách thoả đáng: Vì sao nước ta xuất khẩu lương thực đứng thứ hai thế giới mà nông dân vùng lúa lớn nhất quá nghèo và học vấn thấp nhất? Tại sao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không làm được việc quan trọng nhất là quy hoạch cơ cấu giống lúa cho nông dân? Đáng lo là nông dân Bắc Bộ nhiều nơi đang phải nhập khẩu 70% giống lúa lai của Trung Quốc!

Tại sao là nước xuất khẩu gạo 20 năm mà cho đến nay hạt gạo Việt Nam vẫn không có thương hiệu? Chừng nào tất cả những câu hỏi nói trên chưa được trả lời rành mạch thì gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục bán với giá bèo trong 5 nước xuất khẩu gạo. Và do đó Chính phủ dù muốn cũng không thể buộc các DN phải mua lúa với giá cao gấp rưỡi giá cũ như Chính phủ Thái Lan!
Giữa việc giữ vị thế nước xuất khẩu lương thực số 1 thế giới với việc người dân được hạnh phúc hơn, chắc chắn Chính phủ ta cũng sẽ chọn phía làm thế nào để người dân của mình được hạnh phúc hơn. Vấn đề còn lại là tìm ra phương pháp giải quyết thật tốt và khả thi.
Bài: Tống Văn Công - laodong.com.vn