Mỗi năm có một ngày đoạn sông Mekong chảy qua tỉnh Nong Khai (Thái Lan) đột
nhiên đông đúc lạ thường. Du khách và người dân địa phương đổ ra bờ sông
để tận mắt chứng kiến một trong những bí ẩn tự nhiên được nhắc đến nhiều
nhất từ hơn một thế kỷ nay.
Đó là đêm trăng tròn tháng Mười một Âm
lịch, cũng là đêm cuối trong tuần chay của các tín đồ Phật giáo. Từ mặt nước
tối thẫm của dòng sông, những khối cầu có kích thước bằng quả trứng ngỗng, phát
ra thứ ánh sáng rực rỡ đỏ hồng hoặc đỏ thẫm bay vụt lên không trung.
Sau khi đã lên tới một độ cao nhất định
(từ 50 đến 300 mét) trong khoảng từ 3 đến 8 giây, những quả cầu lửa mờ dần đi
rồi biến mất hoàn toàn trong màn đêm.
Trong mỗi đêm như vậy, có khoảng từ 200
đến 800 quả cầu lửa bay lên từ đoạn sông Mekong dài gần 100 km là biên giới tự
nhiên giữa Lào và Thái Lan. Chúng tạo nên một quang cảnh phi thường.
Một số quả xuất hiện đơn lẻ, bay lên
rồi hạ xuống vài lần trước khi biến mất. Một số khác xuất hiện thành chùm từ 5
đến 7, cá biệt có thể tới gần 20 quả, lao vùn vụt với một tốc độ kinh người. Có
những quả đi lên theo đường xiên từ 500 đến 800, lại có những quả treo lơ lửng
theo phương thẳng đứng so với mặt sông. Những quả xuất hiện ở giữa dòng thường
có xu hướng bay vào gần bờ, trong khi những quả xuất hiện ven bờ lại thường bay
ngược ra giữa sông.
Không có tài liệu nào ghi rõ thời điểm
hiện tượng lạ lùng này bắt đầu xuất hiện, nhưng theo lời kể của những người cao
tuổi ở địa phương, Bung Fai Phaya Naga hay Những quả cầu lửa của rắn thần Naga
có thể đã xảy ra từ hơn một thế kỷ nay.
Truyền thuyết về Naga và niềm tin vào
thế lực siêu nhiên
Đối với người dân hai bên bờ Mekong,
không có cách giải thích nào về những quả cầu lửa đáng tin cậy hơn truyền
thuyết rắn thần Naga. Niềm tin tuyệt đối của họ vào thế lực siêu nhiên đã khiến
cho màn trình diễn pháo hoa ngoạn mục của tự nhiên trên dòng Mekong được cả thế
giới biết đến với tên gọi Những quả cầu lửa của rắn thần Naga (Naga fireballs).
Naga là nhân vật quen thuộc trong cả
đạo Phật và đạo Hindu. Đó là vua của các loài rắn, cai trị toàn bộ vương quốc
dưới nước của Mekong, bảo vệ cho các loài thuỷ tộc và cả con người sống hai bên
ven bờ. Naga rất ngưỡng mộ Đức Phật và muốn trở thành một đồ đệ của Người nên
đã đội lốt con người để trà trộn vào đám đông Phật tử nghe giảng kinh.
Vì ngủ quên nên Naga bị biến trở lại
thành rắn và bị phát hiện. Ước nguyện không thành nhưng Naga vẫn một lòng hướng
về Đức Phật. Ngày cuối cùng trong tuần chay của đạo Phật chính là ngày Đức Phật
trở về hạ giới nên Naga đã tạo ra những quả cầu lửa để làm thành các bậc thang
đón Người.
Chính vì thế, ở Kaeng Aa-Hong, nơi sâu
nhất của Mekong, vốn được cho là kinh đô vương quốc của Naga, các quả cầu bao
giờ cũng to nhất, đẹp nhất, lại có hào quang ánh xanh bên ngoài sắc đỏ.
Màn trình diễn của con người?
Câu chuyện rắn thần Naga tất nhiên
không thuyết phục được những người không tin vào sự tồn tại của các truyền
thuyết. Nhiều người trong số này cho rằng những quả cầu lửa chỉ là màn trình
diễn pháo sáng của con người.
Kênh truyền hình iTivi của Thái Lan
trước đây còn đưa ra giả thuyết về việc bộ đội Lào bắn súng chỉ thiên để tạo ra
quang cảnh này. Tuy nhiên, những lập luận về bàn tay con người đằng sau hiện
tượng những quả cầu lửa trên sông Mekong không đủ chặt chẽ.
Nếu cho rằng đó là pháo sáng hoặc ánh
lửa đạn thì phải giải thích như thế nào khi các quả cầu lửa xuất hiện mà không
hề có tiếng động và biến mất mà không để lại vết khói hoặc mùi thuốc súng.
Hơn nữa, các chuyên gia về vũ khí cũng
khẳng định rằng màu sắc và ánh sáng của chúng rất đặc biệt, không hề giống với
hiệu quả khi sử dụng các loại súng hoặc pháo sáng hiện có. Và cuối cùng, nếu có
ai đó chủ tâm tạo ra hiện tượng này thì mục đích của họ là gì?
Họ làm thế nào để duy trì nó diễn ra
liên tục trong hơn 100 năm qua, ở cùng một địa điểm, trong cùng một thời gian
mà không hề bị phát hiện, cho dù các nhà khoa học trên khắp thế giới đã tổ chức
hàng trăm cuộc tìm kiếm và nghiên cứu tất cả những khu vực xung quanh?
Khoa học nói gì?
Ngay trong giới khoa học cũng nhiều ý
kiến trái ngược nhau về nguồn gốc của những quả cầu lửa trên sông Mekong. Cách
giải thích được nhiều người ủng hộ nhất hiện nay cho rằng nguyên nhân của hiện
tượng này là sự tương tác đồng thời của nhiều yếu tố tự nhiên.
Đó là sự tồn tại của hỗn hợp khí mêtan-nitơ
nồng độ 19%; sự kết hợp của cả vi khuẩn hiếu khí và kị khí ở độ sâu từ 4,55 đến
13,4 mét với lớp trầm tích hữu cơ dày trên đáy sông đất sét và cát; nhiệt độ
môi trường xung quanh luôn cao hơn 260C ở các thời điểm 10h, 13h và 16h; độ PH
dao động từ 6,4 đến 7,8.
Dưới sức nóng của mặt trời, các vật
chất hữu cơ (xác động thực vật) ở đáy sông sẽ phân huỷ trong khoảng từ 3 đến 6
giờ, sinh ra khí mêtan. Dưới tác động của áp suất, khí được đẩy lên mặt nước,
sau đó kết hợp với ôxi và bốc cháy thành những quả cầu lửa có màu sắc không
thay đổi, không có khói và tiếng động, khi biến mất không để lại dấu vết.
Tần suất xuất hiện và độ sáng của các
quả cầu phụ thuộc vào một số yếu tố như khoảng cách tương đối của trái đất với
mặt trăng và mặt trời, cường độ của các tia tử ngoại “B” và “C”, độ dày tầng
ozone ở tầng bình lưu…
Các nhà khoa học cho rằng hiện tượng
này được quan sát rõ nhất vào ngày cuối trong tuần chay của đạo Phật vì đó cũng
là ngày trái đất gần với Mặt trời và Mặt trăng nhất. Lực hấp dẫn từ các hành
tinh này cùng với cường độ tia tử ngoại mạnh và sự tập trung khí ôxi gần mặt
đất đã tạo ra một hiện tượng kỳ thú. Ngoài ra, hiện tượng tương tự đôi khi cũng
xảy ra vào tháng Ba, tháng Năm, tháng Chín và tháng Mười.
Lập luận trên có vẻ khá chặt chẽ, tuy
nhiên, nó chưa phải là kết luận cuối cùng về màn pháo hoa kỳ lạ trên sông
Mekong.
Vẫn còn nhiều câu hỏi phải giải đáp.
Tại sao những quả cầu lửa chỉ xuất hiện trên một đoạn sông ngắn trong khi nhiều
đoạn khác trên dòng Mekong cũng có những điều kiện thuận lợi? Đáy sông không
chỉ có cát và đất sét mà còn có đá. Liệu những bong bóng khí có thể hình thành
trên đó và quan trọng hơn là liệu chúng có thật sự vượt qua được dòng chảy hung
dữ của con sông để lên được tới mặt nước?
Tại sao những quả cầu lửa chỉ xuất hiện
hơn 100 năm trước mà không phải sớm hơn hay muộn hơn? Có điều gì đã xảy ra ở
thời điểm đó? Ngay cả khi đã tìm ra câu trả lời cho tất cả những thắc mắc này
thì đối với nhiều người, những quả cầu lửa trên sông Mekong vẫn mãi mãi là điều
bí ẩn. Đối với họ, đó là một phép màu.
C.Q (Theo Time, NewYork Times, Bangkok
Post), bee.net.vn